Nguyên tắc: Tuân thủ các nghị quyết, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của địa phương. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao bảo đảm sự phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời, hiệu quả. Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các đảng bộ huyện, thành phố. Thời gian phân công theo dõi địa bàn xã theo nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Trong thời gian theo dõi địa bàn, nếu cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét, phân công cán bộ khác thay thế. Trường hợp cán bộ theo dõi địa bàn vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ phải xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định.
Nhiệm vụ của cán bộ theo dõi các xã, phường, thị trấn theo dõi, hướng dẫn, nắm bắt tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; tình hình triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình đời sống, tâm trạng của nhân dân, mối quan hệ giữa nhân dân với hệ thống chính trị ở cơ sở. Kịp thời phản ánh, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị những mô hình mới, cách làm sáng tạo đế xã nghiên cứu triến khai thực hiện; đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình mới, hiệu quả và góp ý sửa chữa, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém. Sắp xếp thời gian phù hợp để ít nhất 3 tháng 1 lần đi công tác hoặc tham dự các cuộc họp ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy xã được phân công để theo dõi, giám sát, tư vấn, hướng dẫn, phối hợp tìm giải pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khuyến khích cán bộ theo dõi dự sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư. Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của đảng ủy và cấp ủy cấp trên vào nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tham gia ý kiến với lãnh đạo xã mà trực tiếp là thường trực, ban thường vụ đảng ủy trong triên khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn phân công, chỉ đạo.
Mối quan hệ công tác: Với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chịu sự phân công, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, mọi mặt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả theo dõi về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy). Với các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đảng bộ: Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đảng bộ; thường xuyên trao đổi, báo cáo với đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đảng bộ về tình hình kết quả, những vướng mắc, phát sinh ở địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đảng bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, lắng nghe phản ánh của cán bộ theo dõi địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ; kịp thời trao đôi với thường trực cấp ủy cấp huyện để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Với thủ trưởng cơ quan nơi công tác: Chịu sự phân công thực hiện nhiệm vụ theo dõi xã của thủ trưởng cơ quan nơi công tác; thường xuyên báo cáo, thông tin tình hình, kết quả thực hiện của xã được theo dõi với thủ trưởng nơi công tác. Thủ trưởng nơi công tác tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, bố trí công việc,... để cán bộ theo dõi địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Với cấp ủy địa phương: Thường xuyên giữ mối liên hệ, làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tồ chức chính trị - xã hội cấp xã, các phòng chuyên môn cấp huyện, thường trực cấp ủy cấp huyện để chủ động nắm bắt thông tin, trao đổi, hướng dẫn, đề xuất các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến địa bàn theo dõi. Trước khi đến làm việc, cán bộ theo dõi địa bàn cần liên hệ với thường trực cấp ủy; khi cần thiết, có thể trao đổi trước với đồng chí lãnh đạo cấp ủy về thời gian, nội dung làm việc.Thường trực đảng ủy xã mời cán bộ theo dõi địa bàn tham dự các cuộc họp thường kỳ, đột xuất của đảng ủy có nội dung về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ với cán bộ theo dõi địa bàn trong làm việc, trao đổi thông tin liên quan; tạo điều kiện đế cán bộ theo dõi địa bàn làm việc với các thôn, bản, tổ dân phố,... (nếu thấy cần thiết) Định kỳ hằng năm đảng ủy xã có nhận xét, đánh giá bằng văn bản về kết quả công tác của cán bộ theo dõi địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, có xác nhận của đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đảng bộ, gửi về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) trước ngày 20/12 để xem xét, đánh giá cán bộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phân công cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi địa bàn xã. Chủ trì phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy triển khai, quán triệt Quy định này; phối hợp với các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy căn cứ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ theo dõi địa bàn để đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy định; đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, biểu dương, khen thưởng đối với cán bộ theo dõi địa bàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý những cán bộ vi phạm. Định kỳ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết thực hiện quy định.