Ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCH PCTT&TKCN tỉnh, đồng thời xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các địa phương xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai, phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn khu dân cư cho từng điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao, lũ quét, ngập lụt. Các vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai được chuẩn bị để tại kho vật tư phòng chống thiên tai tỉnh, các cơ quan đơn vị (Bộ CHQS, Công an tỉnh…), huyện, xã và các lực lượng ứng cứu luôn sẵn sàng cho công tác ứng phó; tăng cường công tác quản lý và phương án bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, công trình xung yếu; có phương án phòng, chống lũ bão hạ du các hồ chứa, sơ tán dân dạ du khi Công ty Thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Tính đến thời điểm hiện tại, các công trình công cộng được hỗ trợ kinh phí từ Trung ương năm 2018 đã tiến hành thi công xây dựng, có phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ năm 2019, các khu TĐC đã hoàn thành và người dân đã chuyển đến nơi ở mới. Các khu vực có nguy cơ mất an toàn được các địa phương quan tâm rà soát, cảnh báo đến người dân khi có mưa to phải sơ tán đến nơi an toàn. Nâng cao nhận thức, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống thiên tai đến người dân nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại cho thiên tai gây ra, giúp người dân yên tâm ổn định đời sống và sản xuất.
Theo rà soát năm 2018, tổng số hộ dân mất nhà ở hiện đang ở xen ghép, ổn định tại chỗ là 916. Trong đó, 574 hộ đã đã được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tại Quyết định số 145/QĐ-TTg. Theo thống kê số lượng từ các địa phương, trên địa bàn tỉnh còn 342 hộ với 1.433 nhân khẩu chưa được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để ổn định dân cư; 24 khu TĐC thuộc các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi, Cao Phong, Kỳ Sơn và Thành phố Hòa Bình do nguồn vốn hạn hẹp nên cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện để người dân ổn định đời sống.
Các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: một số gia đình sợ mất đất, mất nhà, cố thủ không chịu sơ tán khi có mưa lũ xảy ra; địa bàn các xóm, thôn bị ảnh hưởng bởi thiên tai thường nằm ở vùng cao, sâu, xa khu vực trung tâm nên việc truyền tải thông tin thiên tai đến người dân còn chậm; nguồn kinh phí cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh còn hạn hẹp…Tỉnh Hòa Bình kiến nghị với đoàn công tác của Trung ương xem xét bố trí kinh phí để xây dựng hạ tầng các khu TĐC; hỗ trợ cho 342 hộ hiện đang ở xen ghép; sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng. Đề nghị BCĐ Trung ương sớm nghiên cứu hướng dẫn chi tiết và làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để sớm có kết quả cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai cho địa phương; hỗ trợ cho tỉnh mở rộng quy mô tập huấn về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”…