Kính thưa Quốc hội!
Thảo luận về kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tôi xin có một số ý kiến như sau:
Trước hết, tôi đồng tình với Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp. Vượt qua những khó khăn, tác động bất lợi của kinh tế, chính trị thế giới và khu vực, cũng như những khó khăn nội tại trong nước, tình hình kinh tế trong nước đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả, kinh tế trên đà phục hồi, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng khá, nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Điều đó thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đặc biệt sự quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự hợp sức, đồng lòng của nhân dân và doanh nghiệp trong cả nước.
Trong nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất hôm nay, trong thời lượng cho phép tôi xin chuyển đến Quốc hội vấn đề của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo Báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu của cả năm là 6,7%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của nhiều ngành, trong đó của khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm là 0,18%. Cũng không thể phủ nhận những kết quả trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã đạt được trong thời gian vừa qua. Nhiều mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại đã bước đầu gặt hái thành công, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phương thức liên kết 4 nhà đang từng bước được định hình rõ nét, nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn được cung cấp cho thị trường cả trong và ngoài nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thu được nhiều kết quả, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống của nông dân đang từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, xét về tổng thể tình hình sản xuất nông nghiệp của nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, thiên tai, nhân tai tiếp tục hoành hành làm cho giá trị sản xuất nông nghiệp suy giảm, kéo theo đời sống của đại bộ phận nông dân, đặc biệt là nông dân vùng chịu tác động của thời tiết rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, biển ô nhiễm, thị trường nông sản bấp bênh, điệp khúc "được mùa mất giá" tiếp tục lặp lại và kéo dài, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải bỏ của chạy lấy người, bỏ rơi nông dân trong mối liên kết 4 nhà với cảnh trắng tay và nợ nần. Theo Báo cáo của Tổng cục thống kê tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016 cả nước có 234 nghìn lượt hộ thiếu đói, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với 971 nghìn lượt người thiếu đói tăng 25% so với năm 2015. Chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều nơi chạy theo thành tích, huy động đóng góp quá sức của nông dân với nhiều khoản đóng góp phi lý như cảnh sưu cao, thuế nặng không khác gì thời phong kiến. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo của Chính phủ tính đến tháng 6 năm 2016 số nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới không có khả năng thanh toán ở 52 tỉnh đã vượt qua con số 16 ngàn tỷ, làm cho nợ công quốc gia ngày càng khó kiểm soát.
Kính thưa Quốc hội! Kinh tế nông nghiệp đã là bệ đỡ khi kinh tế nước ta suy giảm trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục khi kinh tế phục hồi chậm và thiếu ổn định như hiện nay. Nông nghiệp, nông thôn vẫn là nơi gắn bó với đời sống của hàng chục triệu hộ nông dân và sự ổn định của đất nước nhưng kinh tế nông nghiệp lại đang tụt hậu so với các ngành kinh tế khác. Theo đó đời sống của hàng triệu nông dân lâm vào cảnh khó khăn, đói nghèo, nhiều chuyên gia kinh tế đang ví von sức nóng của các Hiệp định thương mại thế hệ mới đang phả vào gáy chúng ta. Theo lộ trình tại kỳ họp tới Quốc hội sẽ bàn và quyết định phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và các Hiệp định thương mại thế hệ mới khác. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mong chờ sự kiện đó, hy vọng một tương lai tươi sáng cho doanh nghiệp kinh doanh của mình thì nông dân, nông nghiệp hầu như chưa có sự chuẩn bị gì đáng kể. Nhiều nông dân lo lắng cứ làm ăn như thế này thì giữ được sinh kế, có miếng cơm manh áo còn khó, chứ đừng nói sản phẩm nông nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tôi rất chia sẻ với ý kiến này, tại diễn đàn hôm nay, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của nông nghiệp, đời sống của nông dân, không đơn giản bởi vì tỷ trọng giá trị kinh tế nông nghiệp không cao trong nền kinh tế quốc dân mà đó còn là sự ổn định và sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, đó là cuộc sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Quốc hội cần nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn, triệt để tiết giảm, tiết kiệm chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên để tăng đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Có phương án ứng phó hiệu quả với những tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai và biến đổi khí hậu tới nông nghiệp. Có chính sách thúc đẩy các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo nâng cao chất lượng giá trị nông sản và đời sống của nông dân. Có chính sách bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước, bảo vệ lợi ích của nông dân trong các quan hệ kinh tế quốc tế phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội./.