DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Bài học về huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở xã Hợp Thịnh

14/10/2015 00:00

Để có được thành công như ngày hôm nay, kinh nghiệm và bài học trong xây dựng nông thôn mới từ xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn chính là chú trọng công tác tuyên truyền, tìm ra cách làm phù hợp với xã và tích cực huy động sức dân, thực hiện phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân” trong xây dựng nông thôn mới.

Trạm y tế xã Hợp Thịnh được đầu tư đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

 Xã Hợp Thịnh có 13 xóm, địa bàn phân bố khá rộng, để phù hợp với tình hình thực tế địa phương, Chính quyền xã đã thực hiện cụ thể hóa, ban hành 12 tiêu chí đối với xóm và 5 tiêu chí đối với hộ. Đảng ủy thành lập các đoàn giám sát việc thực hiện xây dựng nông thôn mới; ban hành hơn 30 loại văn bản để lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện theo chức năng. Những năm qua, xã đặc biệt chú trọng vào công tác tuyên truyền, đã thực hiện tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Phát huy nội lực, hiến đất góp công xây dựng đường giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới”; thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như lồng ghép tại các hội nghị, các buổi họp thôn, các cuộc họp tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng. Gắn chủ trương xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đổi đất xât dựng nhà văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng. Thông qua các buổi tuyên truyền các tổ chức chính trị, đoàn thể xã và các hộ gia đình đã ngày càng nhận thức rõ về các cơ chế, chính sách, hình thức đầu tư của Nhà nước và trách nhiệm của hộ gia đình, địa phương và cá nhân trong xây dựng NTM.

Trong 5 năm, tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới là trên 80 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 3,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 6,5 tỷ đồng, ngân sách huyện 11,5 tỷ đồng, ngân sách xã trên 346 triệu đồng, doanh nghiệp đóng góp 225 triệu, nhân dân đóng góp tiền mặt và ngày công quy tiền 1,9 tỷ đồng, nguồn lực do nhân dân tự ý thức để xây dựng NTM là trên 54 tỷ đồng, chiếm 67%. Cụ thể: Ban chỉ đạo xã đã tuyên truyền vận động nhân dân tự chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các công trình phụ trợ, mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất. Đã cải tạo, xây mới 245 nhà ở, 27.000m2  cổng, ngõ, tường rào, giá trị quy tiền khoảng 41 tỷ đồng; xây mới và nâng cấp 950 nhà tiêu, 656 giếng khơi, 84 giếng khoan, 274 bể nước mưa, 345 bể biogas phù hợp với chuẩn mới; các hộ dân đã chủ động đầu tư mua mới 125 máy cày, bừa, tuốt lúa, 36 máy xát, nghiền; 26 phương tiện vận tải để sản xuất, kinh doanh. Qua 5 năm đã có 10 tập thể, 18 cá nhân hiến 6.869m2 đất, trị giá trên 1,4 tỷ đồng.

Tới nay xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, cán đích nông thôn mới đợt 1. Trong đó nổi bật đã phát triển được những mô hình sản xuất hiệu quả: Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhân rộng mô hình lúa tẻ thơm, lúa BC 15 với diện tích 60 ha cho năng suất đạt 70 tạ/ha, cho giá trị kinh tế cao từ 30 – 40% so với giá lúa thường. Ngoài ra còn phát triển nhiều mô hình kinh tế gia trại như: Mô hình nuôi lợn thịt, nuôi bò, chăn nuôi gia cầm, phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản…các mô hình cho thu nhập khá cao từ 100 – 300 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, kinh tế nông thôn của xã còn đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhiều cơ sở sản xuất gạch ba vanh, chổi chít được mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao, năm 2011 thu nhập bình quân đạt 18,1 triệu đồng/người/năm, tới năm 2014 đã đạt 26,1 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2015 đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn 1,2%. Cùng với đó, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao: Đã có 11/13 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn, 100% số hộ có phương tiện nghe, nhìn, nhiều hộ gia đình có mạng internet, Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân, 78,5% người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế; 70% thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa…hệ thống tổ chức chính trị xã hội của xã vững mạnh, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Bài học kinh nghiệm sâu sắc của xã sau 5 năm xây dựng nông thôn mới chính là phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng nông thôn mới, xác định đây là chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở nông thôn, tích cực phát huy tính dân chủ, đặc biệt huy động và phát huy nội lực nhân dân để xây dựng, đổi thay diện mạo nông thôn miền núi theo hướng tích cực./.