Trong khuôn khổ hoạt động của Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ ba, sáng nay 20-9 NXB Trẻ đã giới thiệu ấn bản đặc biệt cuốn sách “1000 năm Thăng Long Hà Nội” và giao lưu gặp gỡ với tác giả - nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
In lần đầu tiên vào năm 2008, tác phẩm “1000 năm Thăng Long Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã tái bản đến lần thứ ba với số lượng in hơn 8000 bản. Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc NXB Trẻ cho biết, tác phẩm đã mang lại doanh thu cho NXB Trẻ 1 tỷ đồng và đang tiếp tục là một trong những đầu sách bán chạy nhất của NXB thời gian vừa qua.
Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, NXB Trẻ và tác giả Nguyễn Vinh Phúc đã thực hiện ấn bản đặc biệt được in bìa cứng, chất liệu giấy đặc biệt, không loá và rất nhẹ. Ấn bản đặc biệt dày hơn 200 trang, thêm phần phụ lục và có thêm nhiều tư liệu ảnh cũ mới sưu tầm phát hiện.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
Đặc biệt, trên mỗi bản sách đều in chữ ký tay trực tiếp của tác giả Nguyễn Vinh Phúc ngay trang đầu tiên và được đánh số từ 1010 (năm nhà Lý dời đô) đến 2010. Về việc này, ông Nguyễn Minh Nhật và tác giả Nguyễn Vinh Phúc đã tiết lộ nhiều chi tiết thú vị.
Ban đầu, tác giả Nguyễn Vinh Phúc đã ký 1050 chữ ký bằng mực đen và gửi vào TP. Hồ Chí Minh. Nhưng NXB lại muốn chữ ký phải bằng mực xanh, nên nhà Hà Nội học phải bay vào TP. Hồ Chí Minh để ký lại. Tổng cộng hai lần ông phải ký 2100 bản chữ ký. Địa điểm ông thực hiện ký lên giấy từng cuốn sách để mang đi chế bản không phải ở NXB Trẻ, cũng không phải nơi khách sạn ông ở, mà ở giao lộ của hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà Hà Nội học 84 tuổi hóm hỉnh: “Tôi chừng này tuổi rồi, lại bị huyết áp cao, nên ký run tay lắm. Cứ 100 chữ ký tôi lại phải nghỉ. Khi tôi ký phải có người ở cạnh canh chừng. Mất hai ngày tôi mới ký xong 1000 cuốn. Dù mệt, nhưng tôi vui vì đó là chút tình tôi gửi tới bạn đọc”.
Chiều qua, 30 cuốn đầu tiên xách tay từ TP. Hồ Chí Minh ra đã được bán hết. Đến 10h sáng nay, 200 bản sách mới có mặt ở Hội chợ-triển lãm quốc tế, nhưng đã có rất nhiều khách hàng đặt mua. Nhiều cuốn sách có con số đặc biệt đã được đặt mua thành ra trở nên “hot”, thí dụ như số 1102 (độc nhất vô nhị). Ông Nhật cũng cho biết, NXB giữ lại các bản sách có số 1010, 2010, 1890, 1288, 1930, 1954, 1975… để bán đấu giá. Đây là những con số đặc biệt có ý nghĩa đối với lịch sử dân tộc.
NXB Trẻ cũng giữ lại ấn bản có số 1981- năm thành lập NXB, và tặng tác giả Nguyễn Vinh Phúc ấn bản số 1927- năm sinh của ông.
Nhà Hà Nội học cũng cho biết, việc chế bản những ấn phẩm đặc biệt như làm bìa da mạ vàng, có chữ ký tay của tác giả, in đẹp và giá thành đắt gấp vài ba lần so với bản thường… vốn là một “tập quán” đẹp của các nhà xuất bản của Hà Nội xưa.
Tác giả Nguyễn Vinh Phúc và ông Nguyễn Minh Nhật tại buổi giới thiệu ấn bản đặc biệt.
Những người chơi sách, yêu sách cũng thường có thú chơi sưu tập những ấn bản đặc biệt này. Và đối với họ, đây được coi như những độc bản, và càng để nhiều năm sau càng quý.
“1000 năm Thăng Long Hà Nội” được tác giả Nguyễn Vinh Phúc bắt đầu viết từ năm 1998, với ý định ban đầu là sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng như ông nói, “muốn viết ra cái gì là phải đúng chắc cái đó, chỉ có thể thiếu chứ không thể sai”, nên cuốn sách đã cần thêm nhiều thời gian để hoàn thành. Năm 2008, Hà Nội mở rộng ra địa phận Hà Tây, nên tác giả đã bổ sung thêm những tư liệu và ảnh về mảnh đất trăm nghề. Phần ảnh tư liệu của tác giả NguyễnVinh Phúc sưu tập từ nhiều nguồn, chủ yếu từ kho lưu trữ của Pháp. Về phần ảnh mới, NXB Trẻ đã cử một nhiếp ảnh gia từ TP. Hồ Chí Minh ra ở Hà Nội, trả lương hai tháng để chụp ảnh cập nhật về Hà Nội hôm nay đưa vào làm tư liệu cho sách.
|