DetailController

Trồng trọt

9 tháng đầu năm 2023, tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt trên 700 tỷ đồng

14/09/2023 16:30
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, do làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững, độ che phủ rừng được duy trì ổn định từ 51,5 % trở lên (nay là 51,69%).
Phát triển rừng ổn định tạo nguồn nguyên liệu cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác gỗ

9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 08 vụ cháy rừng. Diện tích rừng bị cháy là 7,823 ha tại các huyện Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Lương Sơn. Các đám cháy đã được lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, huy động lực lượng tại chỗ khống chế, hạn chế được các thiệt hại về người và tài sản.

Ban quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên đã thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học; tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả dự án án bảo vệ phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần cải thiện đời sống cho người dân sống trong các Khu Bảo tồn thiên nhiên. Triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững 4 Khu Bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh theo quyết định đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Tổ chức quản lý chặt chẽ 420 cây trội các loại; 0,6 ha vườn cây đầu dòng; 2,4 ha vườn giống; 20,0 ha rừng giống chuyển hóa. Các nguồn giống đều đảm bảo chất lượng cho thu hoạch vật liệu phục vụ sản xuất giống. 9 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã sản xuất được 18.469.300 cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng (đạt 115,43%). Tới nay, toàn tỉnh đã trồng được 6.825,03 ha/5.530 ha rừng trồng tập trung (đạt 123,41%) và 691.669 cây/906.200 cây phân tán (đạt 76,32%)

Tới hết tháng 8, trên địa bàn toàn tỉnh đã khai thác 6.943,27 ha rừng trồng tập trung, với khối lượng 568.467,07 m3 gỗ; khai thác cây phân tán được 15.376 m3 gỗ; 295.314,3 ste củi; 2.416.700 cây Tre, Bương, Luồng, Giang, Nứa; 5.793 tấn Măng tươi; 866,05 tấn dược liệu; 3.240 Kg mật ong rừng... Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt là 722.590,06 triệu đồng.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 157 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 41 doanh nghiệp và 116 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở đã nhập 24.089,3 tấn Bương, tre, luồng và 320.788,94 m3 gỗ nội địa. Khối lượng sản xuất trong kỳ bao gồm: đồ mộc 12.708,5 m3; dăm băm 139.089,3 tấn; ván ép 70.914,91 m3; bột giấy 1800 tấn, ván bóc 35.911,14 tấn và các sản phẩm khác 45.649,01 tấn. Giá trị hàng hóa ước đạt trong kỳ 948,464 tỷ đồng. Trong đó: xuất khẩu ước đạt 272,031 tỷ đồng, tiêu thụ nội địa ước đạt 676,433 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp, trong đó: khởi tố hình sự 02 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 26 vụ (vi phạm các quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 02 vụ, vi phạm quy định về phát triển rừng, bảo vệ rừng 11 vụ, vi phạm quy định về quản lý lâm sản 13 vụ); tịch thu 9,853 m3 gỗ các loại và 01 cưa xăng; tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước 371,3 triệu đồng. Các vụ vi phạm được xử lý nghiêm, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao và không có khiếu nại xảy ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 102 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, với 6.158 cá thể các loại (trong đó có 32 cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp quý hiếm với 1.216 cá thể, loài nuôi gồm rắn hổ mang thường, cầy vòi hương, cầy vòi mốc và rắn hổ trâu), đã cấp mã số theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP cho 32/32 cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và thuộc danh mục CITES. Các cơ sở chấp hành tốt các quy định của nhà nước về nuôi ĐVHD.

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án bảo vệ phát triển rừng tỉnh Hòa Bình. Quản lý tốt quy hoạch 03 loại rừng, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đúng mục đích, hiệu quả. Rà soát, đánh giá và giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Tiếp tục đôn đốc các dự án trọng điểm của tỉnh hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo quản lý chặt chẽ theo chuỗi hành trình. Tiếp tục thực hiện tốt phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng, chuẩn bị tốt phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Duy trì hiệu quả quy chế phối hợp giữa 3 lực lượng (Công an, Quân đội, Kiểm lâm) tăng cường kiểm tra, truy quét, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản, săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh. Tăng cường quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chế biến lâm sản bất hợp pháp hoặc cố tình không chấp hành quy định về quản lý lâm sản. Tiếp tục triển khai thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững 4 Khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh theo quyết định đã được phê duyệt…/.