DetailController

Tin từ các đơn vị

9 tháng cuối năm: Toàn tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

29/03/2023 17:00
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến hết quý I năm 2023 toàn tỉnh có 73/129 xã chiếm 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh; toàn tỉnh có 20 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi theo hướng tích cực

Cụ thể, kết quả thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình: Đến nay có 129/129 xã đạt 100% số xã đạt tiêu chí số 1 về Quy hoạch thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; đã có 129/129 xã có hệ thống điện đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt… tại các địa phương; 85/129 xã đạt tiêu chí số 2 về Giao thông thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; 129/129 xã đạt tiêu chí số 3 về Thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai; đã có 84/129 xã đạt chuẩn tiêu chí Trường học và 127/129 xã đạt chuẩn tiêu chí về Giáo dục và Đào tạo; đã có 104/129 xã đạt tiêu chí số 15 về Y tế; 85/129 xã đạt tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hoá; có 128/129 xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 129/129 xã đạt tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông; đã có 86/129 xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đến tháng 9/2022 toàn tỉnh đã có 125/129 xã đạt tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã có 107/129 xã đạt tiêu chí số 19 về Quốc phòng và an ninh thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Về phát triển sản phẩm, đến nay toàn tỉnh đã có 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao. Thực hiện chuẩn hoá 02 sản phẩm OCOP 5 sao, dự kiến sẽ trình Hội đồng đánh giá xếp hạng cấp quốc gia năm 2023.

Tổng nguồn vốn kế hoạch huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 của tỉnh là 3.202,400 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 164,551 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 123,25 tỷ đồng, vốn sự nghệp: 41,301 tỷ đồng); Nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện: 245,971 tỷ đồng; Nguồn vốn lồng ghép từ ghép từ các Chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn của tỉnh: 1.101,878 tỷ đồng; Vốn tín dụng: 1.600 tỷ đồng; Vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác: 90 tỷ đồng.

Kế hoạch xây dựng nông thôn mới 9 tháng cuối năm: Toàn tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt từ 16,2 tiêu chí/xã trở lên. Chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục rà soát, tham mưu các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy giúp việc các cấp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; có chính sách khuyến khích và phụ cấp chế độ đặc thù đối với cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm trực tiếp tham gia thực hiện chương trình. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình ở tất cả các cấp nhằm nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện chương trình, trọng tâm là cán bộ thôn, bản và xã, hướng dẫn cập nhập kiến thức, thông tin chính sách trong chỉ đạo điều hành, các cơ chế, chính sách trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, kết hợp tổ chức tham quan học tập, trao đổi, học tập kinh nghiệm./.