DetailController

Thời sự trong ngày

9 tháng cuối năm: Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM

07/04/2023 17:00
Hết Quý I năm 2023, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 21 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu.
Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như giao thông, thuỷ lợi…

Nhằm hoàn thành mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình năm 2023, đảm bảo triển khai Chương trình đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh Hòa Bình phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong đó, bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Chuẩn hoá từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối chương trình và bộ máy giúp việc các cấp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình ở tất cả các cấp nhằm nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện chương trình, trọng tâm là cán bộ thôn, bản và xã, hướng dẫn cập nhập kiến thức, thông tin chính sách trong chỉ đạo điều hành, các cơ chế, chính sách trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, kết hợp tổ chức tham quan học tập, trao đổi lẫn nhau.  Rà soát, bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các cơ quan thông tin, báo chí tiếp tục tuyên truyền về mục tiêu, nội dung các cơ chế chính sách của Chương trình, thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để phổ biến và nhân rộng. Các cấp, các ngành, đoàn thể đổi mới thực hiện phương thức tuyên truyền. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh; các địa phương chủ động cân đối dành một phần nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác để hoàn thành kế hoạch đề ra; Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn 2021-2025.

Quan tâm đến thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp; trong đó, có tiêu chí cần huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, môi trường,...; Tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tê hợp tác, hợp tác xã; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đạt từng chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới và chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 1668/QĐUBND ngày 10/8/2022, Quyết định số 1669/QĐ-UBND ngày 10/8/2022, Quyết định số 1678/QĐ-UBND ngày 10/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.