DetailController

Tin từ các đơn vị

6 tháng đầu năm 2024 phát hiện, bắt giữ, xử lý 303 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh

26/06/2024 16:30
Hòa Bình là tỉnh nằm sâu trong nội địa không có sân bay, bến cảng, cửa khẩu nên các hoạt động có liên quan đến buôn lậu chủ yếu là ở khâu trung chuyển, lưu thông hàng hóa qua tuyến QL6, đường Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường tỉnh Hoà Bình ổn định, tình hình vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được kiểm soát. Các hành vi vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, vi phạm quy định về lâm sản và các hành vi gian lận thương mại khác vẫn còn diễn ra nhưng số vụ vi phạm nhỏ, không có đường dây, ổ nhóm hoặc có tổ chức; số lượng hàng hóa vi phạm không lớn, giá trị không cao đã được các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý kịp thời.
Lực lượng chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về chất lượng hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu

Thực hiện Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 24/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thực hiện tốt việc phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền các địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm; thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, tạo mạng lưới thông tin rộng rãi, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa các ngành: Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh; Công an, Thanh tra, Cục thuế, Cục Quản lý thị trường, Sở NN&PTNT, Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh. Phối hợp giữa các ngành chức năng trực tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật 24h/24h, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra vào địa bàn, tăng cường công tác phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, phối hợp tham gia 03 Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ Hội Xuân năm 2024 theo Kế hoạch số 01/KH-ATTP ngày 03/01/2024 của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình về việc triển khai công tác bảo đảm thực phẩm tết Giáp Thìn mùa Lễ Hội Xuân năm 2024. Kết quả với tổng số 42 cơ sở, trong đó 42/42 các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm. Phối hợp tham gia tổ công tác liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại 03 đơn vị theo Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 26/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh tại 03 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kết quả 03/03 đơn vị chấp hành tốt các quy định pháp luật có liên quan. Phối hợp tham gia Tổ triển khai quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 244/QĐ-UBND ngày 16/02/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Kết quả đến thời đểm ngày 20/3/2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình 100% các Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã lựa chọn được giải pháp triển khai lắp đặt thiết bị, phần mềm để lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định. Trong đó có 170/180 Cửa hàng xăng dầu đã triển khai lắp đặt thiết bị xuất HĐĐT qua từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với các cơ quan thuế (có 04 Cửa hàng xăng dầu đang tạm dừng để sửa chữa, nâng cấp, chưa hoạt động trở lại).

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được xác định là một trong những công tác trọng tâm. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các Ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài truyền hình ở Trung ương, tỉnh, địa phương thực hiện các phóng sự, đưa nhiều tin bài tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 303 vụ. Trong đó xử phạt vi phạm hành chính 298 vụ; xử lý hình sự 05 vụ; 01 vụ vô chủ (33 vụ về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 270 vụ về gian lận thương mại). Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế và trị giá hàng hóa tịch thu trong kỳ 8.247,38 triệu đồng. Trong đó tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 3.078,95 triệu đồng. Tiền truy thu: 5.019 triệu đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu trong kỳ là 149,426 triệu đồng.

Dự báo thời gian tới việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong kinh doanh là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển, nhu cầu mua sắm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe của người dân bằng hình thức online, chuyển phát nhanh, bưu điện … ngày càng gia tăng về số lượng. Hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại sẽ tiếp tục diễn ra với tính chất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, tiếp tục gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ và xử lý. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động bám sát, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch công tác năm 2024, xây dựng kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Các Ngành chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố chủ động nắm bắt địa bàn, đối tượng, các tụ điểm, nơi tập kết hàng; thường xuyên phối hợp chia sẻ thông tin về đối tượng, mặt hàng mà các đối tượng thường buôn lậu, phương thức thủ đoạn, nhất là những thủ đoạn mới phát sinh. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công, phụ trách, quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ tỉnh đến địa phương; khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác thực thi pháp luật đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; Triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên tăng cường phối hợp tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để phản ánh các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật nhà nước. Các Ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố chỉ đạo bộ phận giúp việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh theo quy định để kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình để có biện pháp chỉ đạo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả góp phần thúc đẩy các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững. Triển khai kịp thời sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia của UBND tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.