DetailController

Quốc phòng - An ninh

6 tháng đầu năm 2024: Các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác kiểm sát đạt và vượt so với kế hoạch

18/06/2024 15:45
Trong 6 tháng đầu năm 2024, VKSND hai cấp tỉnh Hoà Bình đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác kiểm sát; các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Kết quả, chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được nâng lên; công tác thanh tra, kiểm tra và kỷ luật, kỷ cương nội vụ được tăng cường, siết chặt; các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đều đạt, vượt so với yêu cầu Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội và của Ngành. Tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt 99,8% (vượt 2,8% so với chỉ tiêu); tỷ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 10%, đúng tội danh vượt 05% chỉ tiêu; chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hình sự, hành chính đạt 100%, vượt 30% chỉ tiêu; chỉ tiêu về án trọng điểm vượt 23% so với năm 2023; chỉ tiêu ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm vượt 53% so với năm 2023; chỉ tiêu phiên toà rút kinh nghiệm vượt 14% so với năm 2023; chỉ tiêu kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự tại Cơ quan thi hành và UBND xã vượt 26% so với năm 2023...
6 tháng đầu năm 2024, VKSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 413 vụ/723 bị can (tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2023)

Theo báo cáo của VKSND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững và ổn định. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê, VKSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 413 vụ/723 bị can (tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, nhóm tội phạm xảy ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao gồm: Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội chiếm 35%, tội phạm về ma tuý chiếm 31%, tội phạm xâm phạm sở hữu chiếm 21%. Nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm nêu trên là do ý thức chấp hành cũng như nhận thức pháp luật của một số người dân còn hạn chế; một số cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, không chịu rèn luyện, vì vụ lợi và động cơ cá nhân khác cố ý vi phạm pháp luật. 

Trong kỳ, các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình thụ lý mới 935 vụ, việc (tăng 52 vụ, việc=5% so với cùng kỳ năm 2023); chủ yếu là các tranh chấp về quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hợp đồng đặt cọc và kiện đòi ly hôn...Đối với các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động thụ lý mới 21 vụ, việc (giảm 03 vụ, việc=19%); chủ yếu là khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp liên quan đến đất đai. Nguyên nhân của các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính xảy ra chủ yếu do tác động từ sự phát triển kinh tế, mối quan hệ xã hội phức tạp giữa các cá nhân và các văn bản liên quan đến đất đai chưa đồng bộ, chồng chéo. 

Trong 6 tháng, toàn ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 480 nguồn tin về tội phạm, trong đó thụ lý mới 358 nguồn tin, giảm 65 tin (18%); Cơ quan điều tra (CQĐT) đã giải quyết 367 nguồn tin về tội phạm, đạt tỷ lệ 76%. Đã ban hành 362 văn bản yêu cầu kiểm tra xác minh nguồn tin về tội phạm (đạt tỷ lệ 100%), bảo đảm chỉ tiêu kiểm sát 100% các trường hợp thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Qua kiểm sát, VKSND hai cấp đã yêu cầu khởi tố 02 vụ án, yêu cầu giải quyết 04 nguồn tin về tội phạm theo đúng quy định của pháp luật, yêu cầu tiếp tục giải quyết 13 tin báo đang tạm đình chỉ, ban hành 29 kiến nghị (tăng 11 kiến nghị, vượt 17 kiến nghị so với chỉ tiêu Ngành). 100% kiến nghị được tiếp thu thực hiện (vượt 10% chỉ tiêu của Ngành, 20% chỉ tiêu tại Nghị quyết 96 của Quốc hội ). 

Trong kỳ, đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 642 vụ/1.057 bị can (tăng 16 vụ=4% so với cùng kỳ năm 2023). Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, xử lý 416 vụ/628 bị can, đạt tỷ lệ 65%; yêu cầu điều tra đối với 100% các vụ án khởi tố mới…Chủ động lựa chọn và phối hợp xác định 41 vụ án trọng điểm (tăng 15 vụ, vượt 5% so với chỉ tiêu Ngành), áp dụng thủ tục rút gọn điều tra 03 vụ án; đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 14 bị can; ban hành 13 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm, 15 kiến nghị các cơ quan hữu quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm (tăng 08 kiến nghị, vượt 01 kiến nghị so với chỉ tiêu Ngành). 

VKSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 368 vụ/710 bị can. Các quyết định truy tố đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%  (vượt 10% chỉ tiêu tại Nghị quyết 96 của Quốc hội); đúng tội danh 100% (vượt 5% chỉ tiêu tại Nghị quyết 96 của Quốc hội, vượt 2% chỉ tiêu của Ngành. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm 444 vụ/843 bị cáo và thụ lý kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm 47 vụ/63 bị cáo (số mới 39 vụ/54 bị cáo, tăng 11 vụ=23%); Tòa án đã giải quyết 347 vụ/630 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm, đạt 78% và 40 vụ/53 bị cáo theo thủ tục phúc thẩm, đạt 85%. Không có trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử tuyên không phạm tội.  Tiếp tục phối hợp với Toà án tổ chức 91 phiên toà rút kinh nghiệm, 06 phiên toà thực hiện theo thủ tục rút gọn, 07 phiên tòa xét xử lưu động.

Trong kỳ, đã kiểm sát việc bắt, tạm giữ về hình sự đối với 525 người, trong đó giải quyết chuyển xử lý hình sự 524 người (đạt 99,8%, vượt 2,8% chỉ tiêu của Ngành). Đã kiểm sát việc tạm giam 1.033 người. Không để xảy ra trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ, trái quy định của pháp luật; không có trường hợp bị tạm giữ, tạm giam quá hạn luật định.

Ngay từ đầu năm, VKSND tỉnh Hòa Bình tiếp tục xác định việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động…là khâu công tác trọng tâm, đột phá của đơn vị. Theo đó, đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác này, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp, tiếp cận nghiên cứu hồ sơ vụ án ngay từ khi mới thụ lý, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động thu thập chứng cứ, thẩm định tại chỗ cũng như hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Cụ thể đã thụ lý 64 vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm (số mới là 21 vụ, việc; giảm 03 vụ, việc); 04 vụ án theo thủ tục phúc thẩm (số mới là 03 vụ, tăng 02 vụ) và 174 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án đối với các án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động; thụ lý kiểm sát giải quyết 1.545 vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm; 41 vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm đối với các vụ, việc dân sự…

Năm 2024 là năm hết sức quan trọng, cần sự quyết liệt, bứt phá của toàn hệ thống chính trị để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, 6 tháng cuối năm 2024, ngành KSND tỉnh Hoà Bình tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; phối hợp chặt chẽ với Toà án cùng cấp tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm, đặc biệt là phiên toà rút kinh nghiệm trực tuyến hai cấp, phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên; chú trọng thực hiện quyền yêu cầu trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Viện kiểm sát; phối hợp chặt chẽ với Cơ điều tra, Tòa án kịp thời khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hoà Bình theo dõi, chỉ đạo; các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Tỉnh uỷ theo dõi, đôn đốc và các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội và của Ngành giao.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, cán bộ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của VKSND giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, coi công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị và chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên; tăng cường công tác điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức từ cấp tỉnh về cấp huyện và ngược lại, đặc biệt chú ý ở những địa bàn trọng điểm, có số lượng công việc lớn, phức tạp, những lĩnh vực công tác quan trọng, nhạy cảm để rèn luyện, thử thách, đào tạo toàn diện cán bộ. 

Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Viện kiểm sát cấp trên; sự giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và của Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm.  Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải cách công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, vi phạm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật và trật tự nội vụ, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, không để xảy ra việc lộ, lọt thông tin trong quá trình công tác./.