DetailController

Kinh tế

6 tháng đầu năm 2023: Tốc độ tăng trưởng ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%

16/06/2023 16:52
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 0,73%, trong đó Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,06% trong cơ cấu kinh tế.
6 tháng đầu năm 2023, diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 72,5 nghìn ha, tăng 1,69% so với kế hoạch

Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 72,5 nghìn ha, tăng 1,69% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt đạt 35,76 nghìn ha. Đã thực hiện cấp 09 mã số vùng trồng nội địa trên địa bàn tỉnh. cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao hơn. Chú trọng phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu, vùng nguyên liệu mía. Thực hiện tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh giai đoạn 2023-2030; xây dựng đề án thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản chủ lực của tỉnh.

Tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định; tiếp tục tập trung phát triển chăn nuôi con bản địa trong nông hộ, chăn nuôi công nghiệp trong các cơ sở chăn nuôi lớn. Công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc đều được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và người dân thực hiện áp dụng tương đối tốt. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; triển khai tốt việc tiêm vắc xincho đàn gia súc, gia cầm và các loại vật nuôi. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên đàn vật nuôi; kiểm soát tốt bệnh Lở mồm long móng. Tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật. Hướng dẫn cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và phát triển bền vững rừng sản xuất. Đã trồng được 3,5 nghìn ha rừng trồng tập trung, đạt 63,2% so với kế hoạch năm và 512,8 nghìn cây phân tán, đạt 56,6 % so với kế hoạch; khai thác với khối lượng 339,3 nghìn m3 gỗ. Kiểm tra, phát hiện và xử lý 20 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng được tăng cường; xảy ra 07 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy là 5,823 ha tuy nhiên các đám cháy đã được phát hiện và xử lý sớm, kịp thời làm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Các địa phương đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng cơ cấu lại ngành thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh có 2,698 nghìn ha diện tích mặt nước, trên 4,9 nghìn lồng nuôi cá. Sản lượng thu hoạch ước đạt 6,14 nghìn tấn (trong đó, sản lượng khai thác 975 tấn, sản lượng nuôi trồng 5,163 nghìn tấn). Các địa phương tiếp tục gieo ươm, chăm sóc cây giống các loại, đảm bảo chất lượng phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2023. Các cơ sở, hộ dân sản xuất, ương nuôi cá giống đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất vụ hè thu. Tình hình dịch bệnh thủy sản ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Công tác thanh tra - bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục được tăng cường.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6% (Vượt 33% so với kế hoạch năm); bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã8; toàn tỉnh có 21 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai theo kế hoạch.Đến hết năm 2022 tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh là 123 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao; ước hết năm 2023 toàn tỉnh có thêm trên 30 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong lĩnh vực thủy lợi và công tác phòng, chống thiên tai, các địa phương tiếp tục thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn nước, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tiến độ sản xuất, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn; Thường xuyên kiểm tra, duy tu các công trình thủy lợi.Tích cực triển khai thực hiện chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi đợt I năm 2023. Thường xuyên kiểm tra các tuyến đê cấp III và các cống dưới đê, kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật đê điều và thực hiện tốt công tác chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm 2023.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như rét đậm rét hại, mưa giông kèm gió lốc,... làm 07 con trâu bị chết; gây thiệt hại về nhà ở, tài sản 02 hộ dân với tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 69 triệu đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cũng như công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra được triển khai kịp thời./.