Theo thống kê của VKSND tỉnh Hòa Bình, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp. Theo đó, VKSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 397 vụ/625 bị can (tăng 08 vụ, 23 bị can so với cùng kỳ năm 2022, tội phạm xảy ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao gồm: tội phạm về ma tuý chiếm 41%, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội chiếm 31%, tội phạm về sở hữu chiếm 24%). Trong đó, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội: Khởi tố 149 vụ/283 bị can, tăng 26 vụ. Tội phạm về ma túy: Khởi tố 144 vụ/206 bị can, tăng 70 vụ. Đặc biệt, có một số vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý với số lượng lớn xảy ra trên địa bàn huyện Tân Lạc, Mai Châu, thành phố Hoà Bình... Tội phạm về tham nhũng, chức vụ: Khởi tố 12 vụ/38 bị can, tăng 09 vụ; tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường: Khởi tố 100 vụ/98 bị can, giảm 40 vụ. Trong đó, tập trung ở các tội: Trộm cắp tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tăng, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, giả danh các tổ chức, doanh nghiệp nhắn tin, gọi điện thông báo trúng thưởng, nhận quà tặng hoặc hưởng lợi từ các hoạt động thương mại điện tử và giả danh người thân quen nhắn tin vay mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp rồi chiếm đoạt.
Nguyên nhân tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2023 tăng chủ yếu là do đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, người phạm tội lười lao động, sống thực dụng, hưởng thụ, lại sa vào các tệ nạn ma túy, cờ bạc và có ý thức coi thường pháp luật. Do đó, dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cao, nhất là những vi phạm, tội phạm trong những lĩnh vực liên quan đến quản lý đất đai, đấu thầu, quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước và tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình thụ lý mới 905 vụ việc (giảm 289 vụ việc). Trong đó, tranh chấp chủ yếu về quyền sử dụng đất, về hợp đồng dân sự, ly hôn và chia tài sản sau ly hôn. Các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động thụ lý mới 25 vụ việc (tăng 07 vụ việc). Trong đó, chủ yếu là khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến đất đai của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính xảy ra nêu trên là do công tác quản lý, sử dụng đất đai, đo đạc, xây dựng hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số cơ quan, đơn vị chức năng còn nhiều hạn chế; việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân khi Nhà nước thu hồi đất còn chưa phù hợp; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở hiệu quả còn chưa cao.
Dưới sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của VKSND tối cao, Thường trực Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên VKS hai cấp; ngành KSND tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đã kiểm sát chặt chẽ, hiệu quả việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 10%, đúng tội danh vượt 05% chỉ tiêu tại Nghị quyết 96 của Quốc hội, vượt 02% chỉ tiêu của Ngành; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao, không xảy ra trường hợp đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội hoặc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; tỷ lệ kiểm sát trực tiếp công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm vượt 33% chỉ tiêu của Ngành; tỷ lệ kháng nghị các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại được Tòa án chấp nhận đạt 100%, vượt 30% chỉ tiêu của Ngành và chỉ tiêu tại Nghị quyết 96 của Quốc hội; tỷ lệ các kiến nghị được các cơ quan, đơn vị tiếp thu đạt 100%, vượt 10% chỉ tiêu của Ngành, 20% chỉ tiêu tại Nghị quyết 96 của Quốc hội; tỷ lệ kiểm sát công tác quản lý người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND xã, phường vượt 10% chỉ tiêu của Ngành...Những kết quả công tác trên của ngành Kiểm sát tỉnh Hòa Bình đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa ban tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng VKSND hai cấp tỉnh Hòa Bình vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa đồng đều, chất lượng công việc chưa cao dẫn đến một số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung (mặc dù tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn đảm bảo dưới tỷ lệ quy định của Ngành).
Trong 6 tháng cuối năm 2023, toàn ngành VKSND tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, chỉ đạo của VKSND tối cao, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh. Tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Thực hiện số hóa hồ sơ vụ án hình sự, báo cáo án bằng sơ đồ tư duy và trình chiếu chứng cứ tại phiên toà; phối hợp với Toà án cùng cấp tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm đặc biệt là phiên toà rút kinh nghiệm trực tuyến hai cấp, phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên; chú trọng thực hiện quyền yêu cầu trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Viện kiểm sát; phối hợp chặt chẽ với CQĐT, Tòa án kịp thời khởi tố, điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh các vụ án, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Hoà Bình theo dõi, chỉ đạo; các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội và của Ngành giao cũng như Kế hoạch công tác năm 2023 của ngành Kiểm sát tỉnh Hoà Bình.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức cán bộ, coi trọng công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị và chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên; tăng cường công tác điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức từ cấp tỉnh về huyện, thành phố và ngược lại, đặc biệt chú ý ở những địa bàn trọng điểm, có số lượng công việc lớn, phức tạp, những lĩnh vực công tác quan trọng, nhạy cảm để rèn luyện thử thách, đào tạo toàn diện cán bộ, khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác” và phòng ngừa tiêu cực, bảo vệ cán bộ.
Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên và của cấp ủy địa phương; sự giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và của Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, vi phạm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật và trật tự nội vụ, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, không để xảy ra việc lộ, lọt thông tin trong quá trình công tác./.