DetailController

Sức khỏe - Đời sống

5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại Hoà Bình

09/12/2013 00:00
Sau gần 5 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại tỉnh Hòa Bình bước đầu đã đạt được những kết quả tốt. Trong đó, không thể không kể đến sự vào cuộc tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh. Luật đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người dân, từ quan niệm bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình nay vấn đề đã được nhìn nhận là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức đối với cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở, người dân và cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình. Quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn, tuyên tuyền viên là cán bộ Hội phụ nữ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và kỹ năng truyền thông cho cán bộ Hội phụ nữ với các nội dung như: nội dung của Luật; cách thức, phương pháp, kỹ năng chuẩn bị buổi truyền thông về luật; một số hình thức truyền thông (kịch, truyền thông, hội thi);

Kết quả, trong 5 năm Hội LHPN phối hợp dự án phòng chống bạo lực gia đình cho 40 báo cáo viên cấp tỉnh huyên, và trên 200 tuyên truyền viên các cấp về phòng chống bạo lực gia đình. tổ chức tập huấn cho trên 600 lượt cán bộ các ban ngành của cấp huyện và cấp xã, vận động xây dựng mô hình Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Đến nay đã có 78 địa chỉ tại chi tổ và 10 địa chỉ tại xã được UBND xã Ra Quyết định thành lập, công khai địa chỉ và số điện thoại hỗ trợ đúng quy định. Tuy nhiên, một số điạ phương vẫn còn gặp những vướng mắc trong việc triển khai hoạt động này. 

Hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận nhằm giúp các nạn nhân bạo lực gia đình chăm sóc sức khoẻ, tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý, thông báo nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân không tự lo được hoặc không có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Thường các nạn nhân tìm đến hàng xóm, người thân trong gia đình, hội phụ nữ, trưởng thôn, bí thư chi bộ, công an...tuy nhiên nếu trong trường hợp nạn nhân đang bị bạo lực về thể chất chỉ duy nhất công an có thể vào cuộc được, còn các tổ chức đoàn thể khác can thiệp không đảm bảo an toàn.

       Thực hiện theo chương trình phối hợp với ngành Tư pháp Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức các cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại các xã thu hút đông đảo người dân tham gia (90% là phụ nữ) với nội dung: tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và tư vấn, trợ giúp các vấn đề như đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, hình sự mà họ cần và quan tâm. Qua đó tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân hiểu và biết cách thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức các hoạt động gặp mặt gia đình tiêu biểu trong dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; tổ chức Hội thi gia đình ở cấp huyện/tỉnh. Hội thi nhằm tuyên truyền các kỹ năng làm vợ, làm mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng, kinh nghiệm và kiến thức phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập trong gia đình ... góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ và nhân dân về vai trò, vị trí và trách nhiệm của xã hội và từng gia đình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, hôn nhân và gia đình, thực hiện bình đẳng giới, ngăn chặn, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình.

Cách nhìn nhận của cộng đồng chưa thật đầy đủ và đúng đắn về BLGĐ,  BLGĐ đã, đang xảy ra khá phổ biến và có tính chất nghiêm trọng tại địa phương. Các hành vi bạo lực gia đình ở nông thôn cũng như thành thị đa dạng, phức tạp, khó nhận diện.

Người bị bạo lực phản ứng với hành vi bạo lực gia đình một cách thụ động, thiếu an toàn, thậm chí tiêu cực.

Các cán bộ chính quyền và người dân chưa hiểu nguyên nhân gốc rễ của BLGĐ là sự bất bình đẳng giới về quyền lực. Sự hạn chế về thông tin luật pháp, kĩ năng phòng chống bạo lực gia đình cùng những tác động tiêu cực của đời sống xã hội… làm cho việc xử lý hành vi bạo lực gia đình không triệt để.

Hiện địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc phòng chống BLGĐ. Việc nâng cao năng lực cho các cán bộ là cần thiết, đặc biêt cần có cơ chế phối hợp, tổ chức, giám sát nhằm thúc đẩy sự ủng hộ và cam kết của chính quyền địa phương trong các hoạt động phòng chống BLGĐ.

Những người bị bạo lực gia đình và những người gây ra bạo lực cần có những địa chỉ tin cậy an toàn, được hỗ trợ về tâm lý, pháp luật và những sinh hoạt cộng đồng phù hợp tại địa phương.