DetailController

Sức khỏe - Đời sống

32 năm hết lòng vì người bệnh

17/09/2012 00:00
Giản dị, chân thành và gần gũi. Đó là cảm nhận khi lần đầu tiếp xúc với chị. Một người luôn thương yêu, tận tình chăm sóc bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình. Chị là Bùi Thị Thảo, Trạm trưởng TYT xã Kim Bình, huyện Kim Bôi.
Y sỹ Bùi Thị Thảo đang tư vấn cho bệnh nhân tại TYT

32 năm làm Trạm trưởng

Năm 1980, tốt nghiệp trường trung cấp Y tế Hòa Bình với tấm bằng loại giỏi, chị quyết định trở về công tác tại quê hương và nhận vai trò Trạm trưởng TYT xã. Ngày mới về, trạm chỉ 4 cán bộ, không có nhà trạm riêng, trang thiết bị lạc hậu. Vì vậy, chị luôn trăn trở làm thế nào có được những điều kiện tối thiểu nhất để phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Nghĩ là làm. Chị bắt đầu kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể. Hiện nay, trạm có 7 cán bộ; có 8 phòng làm việc, và đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu.

 Sau 32 năm gắn bó với người bệnh trên địa bàn xã Kim Bình, chị không thể nhớ nổi mình đã tự tay khám chữa bệnh và cấp cứu cho bao nhiêu bệnh nhân. Nhưng có một công việc mà bản thân chị và người dân trong xã không bao giờ quên: Chính tay chị đã chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Những năm 2000 trở về trước thì đây là một căn bệnh bị xã hội phân biệt đối xử và kì thị. Họ bị xã hội và chính những người trong gia đình xa lánh. Chính vì vậy, khi ở vào giai đoạn phát bệnh, được chị tận tình chăm sóc, họ nhẹ bớt những cơn đau về thể xác. Nhưng tận đáy lòng, họ biết ơn một nữ y sỹ đã cho họ cảm giác ấm áp về tình người trước khi họ rời xa cõi đời vì căn bệnh thế kỉ.

Chị còn nhớ, vào một ngày tháng 7 năm 2002, chị đang trực tại TYT thì một người dân đến báo anh B.V.H ở xóm Lục Cả đã qua đời (anh là bệnh nhân HIV/AIDS đang ở giai đoạn cuối). Là giữa mùa mưa nên đường vào các xóm đều lầy lội, phải khó khăn lắm chị mới đến nơi. Mọi người trong gia đình đã có mặt đông đủ nhưng chưa ai dám lại gần làm giúp anh những việc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn. Chị Thảo đã nhanh nhẹn, bắt tay ngay vào những công việc mà chính người thân của anh vẫn còn e ngại. Chị tự tay tắm rửa sạch sẽ và thay đồ cho người đã khuất. chị làm tất cả mọi việc chu đáo, chị mong họ được an nghỉ thanh thản. Trong những năm gắn bó với nghề, gắn bó với với những con người không may bị nhiễm HIV, chị luôn dành cho họ sự cảm thông và quan tâm chăm sóc tận tình giúp họ vượt qua mọi mặc cảm về tinh thần để tạo dựng thói quen và ý thức sống trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Vượt qua nỗi đau riêng

Khi tôi hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình, chị tâm sự: chị có hai người con, nhưng người con trai đã mất trong một tai nạn giao thông sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Khi con mất, chị như muốn buông xuôi tất cả, nhưng được sự động viên của người thân trong gia đình, của bà con hàng xóm, của những người đã từng được chị chữa trị, rồi nghĩ đến những người bệnh đang cần mình, chị nén nỗi đau, cố vượt qua để tiếp tục khám, chữa bệnh và chăm sóc cho người bệnh được tốt hơn.

Sau khi dừng câu chuyện để kê đơn thuốc cho một bệnh nhân đến khám, chị tâm sự thêm: những năm về trước, một số bệnh nhân cao tuổi có hoàn cảnh neo đơn đến khám và điều trị tại trạm không có ai chăm sóc, chị đã kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ của các cấp ban ngành và của chính những cán bộ trạm để có tiền mua thêm đường sữa, thức ăn cải thiện bữa ăn cho các cụ, chăm sóc tốt để các cụ sớm khỏi bệnh.

Song song với việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân Y sỹ Thảo còn luôn quan tâm tới công tác củng cố mạng lư¬ới y tế cơ sở, chị trực tiếp chỉ đạo nhân viên làm tốt công việc của mình và 12 điều y đức của ng¬ười thầy thuốc. Hiện nay 100% thôn xóm có y tế thôn bản. Là một trạm trư¬ởng chị còn luôn chú trọng tới công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường do vậy nhiều năm liền trên địa bàn xã không có dịch bệnh nào xảy ra.

Với trách nhiệm là một trạm trưởng trạm y tế xã, lúc nào chị cũng xác định từ suy nghĩ đến hành động phải luôn nâng cao y đức của người thầy thuốc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Bên cạnh đó, chị còn là một người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo cho gia đình. Đây cũng là nguồn động lực giúp chị hết lòng chăm sóc người bệnh tại địa phương./.