
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có chuyển biến tích cực, tập trung và quyết liệt hơn. Tỉnh ủy đưa chỉ tiêu về phát triển hợp tác xã vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đảng bộ các huyện, thành phố đưa nội dung về phát triển kinh tế tập thể vào dự thảo văn kiện Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 và lồng ghép trong nhiều Nghị quyết, Kết luận, Kế hoạch. Bên cạnh đó, việc củng cố, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các hợp tác xã được quan tâm thực hiện, đến nay có 05 hợp tác xã có chi bộ Đảng, 05 hợp tác xã tổ chức công đoàn cơ sở, có nhiều đảng viên là thành viên, người lao động trong các hợp tác. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên trong thời gian qua đã phối hợp tốt với các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành pháp luật về hợp tác xã, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng và phát triển hợp tác xã; phối hợp trong việc triển khai các chương trình, dự án phát triển hợp tác xã tham gia xây dựng chính sách và giám sát thi hành pháp luật về hợp tác xã. Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động ban hành nhiều nghị quyết để vận động, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình hợp tác xã do thanh niên, phụ nữ, nông dân làm chủ.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 59 Tổ hợp tác thành lập mới, giải thể 09 tổ hợp tác và có 22 tổ hợp tác chuyển đổi phát triển thành hợp tác xã. Ước đến hết năm 2020 có 198 tổ hợp tác hoạt động. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động nông nghiệp và quản lý công trình thủy lợi nhỏ (chiếm 92,9%), còn lại là tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp và vệ sinh môi trường. Thu hút trên 7.000 thành viên, lao động và hộ gia đình tham gia. Doanh thu bình quân 01 tổ hợp tác trên năm đạt 580 triệu đồng/tổ hợp tác, tăng 9,18% so với năm 2017, lãi bình quân đạt 52 triệu đồng/năm, tăng 9,42% so với năm 2017. Hoạt động của các tổ hợp tác linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của vùng nông thôn, trên tinh thần tự nguyện, cùng có lợi, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh tế của hộ thành viên.
Toàn tỉnh có 188 hợp tác xã thành lập mới, vượt 79,04% chỉ tiêu Đề án, trung bình mỗi năm có trên 62 hợp tác xã thành lập mới, đã giải thể 79 hợp tác xã ngừng hoạt động lâu năm. Ước đến hết năm 2020 có 387 hợp tác xã, tăng 49,42% so với năm 2017. Các hợp tác xã thu hút 12.638 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho 21.600 lao động (tăng 17,04 so với năm 2017). Doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ của hợp tác xã đạt 3,24 tỷ đồng/hợp tác xã/năm (tăng 21,14%). Thu nhập bình quân 1 lao động trong hợp tác xã đạt 4 triệu đồng/người/tháng, tăng 25%. Đã có 15 sản phẩm của 11 hợp tác xã được xếp hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 05 sản phẩm được xếp loại 4 sao, 10 sản phẩm xếp loại 3 sao.
Cùng với đó, thành lập mới 01 Liên hiệp hợp tác xã Cam và cây ăn quả có múi tại Cao Phong với 04 hợp tác xã thành viên, hiện nay chủ yếu hỗ trợ thành viên về kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường, chưa tổ chức được các hoạt động có doanh thu. Có 01 đơn vị Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam (trụ sở chính tại Hà Nội) có đăng ký mở văn phòng đại diện và hoạt động tại Hòa Bình. Liên hiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng quản lý kinh doanh chợ, hiện đang triển khai nghiên cứu khảo sát một số dự án đầu tư chợ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh./.