DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

11 cây Nghiến tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông được công nhận là cây di sản

22/03/2023 16:37
Ngày 10/3 vừa qua, tại UBND xã Ngổ Luông (Tân Lạc), Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông phối hợp với UBND xã Ngổ Luông tổ chức Lễ Công bố quyết định và Đón bằng công nhận quần thể 11 cây Nghiến là Cây di sản Việt Nam. Dự lễ công bố có PGS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng cây Di sản Việt Nam; lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, huyện Tân Lạc và huyện Lạc Sơn.
Lễ đón Bằng công nhận 11 cây Nghiến cổ thụ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông là Cây Di sản Việt Nam

Quần thể 11 cây Nghiến cổ thụ có tuổi đời từ 400-1400 năm tuổi trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản.

Đây là sự kiện không chỉ mang lại ý nghĩa cho công tác bảo tồn nguồn gen quý của thiên nhiên mà còn cho thấy, những thay đổi căn bản trong đời sống và nhận thức của những bà con người Mường nơi đây.

Nằm trên sườn của vùng núi đá vôi nhọn hoắt, cây Nghiến này được xếp ở vị trí thứ 4 theo tuổi đời và cũng là cây Nghiến dễ tiếp cận nhất trong quần thể 11 cây Nghiến cổ thụ được công nhận là Cây di sản. Theo Hồ sơ của Hội đồng Cây di sản thì quần thể 11 cây Nghiến thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông có tới 4 cây trên 1.00 tuổi và cây già nhất là trên 1.400 năm với đường kính chu vi thân lên tới 11m. Theo cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông thì khu vực này trước đây là cả một dải rừng Nghiến. Sự khai thác quá mức đã khiến dải rừng Nghiến đó biến mất theo thời gian. Những gì còn lại của ngày hôm nay chính là may mắn mà thiên nhiên đã dành tặng cho người dân vùng đất này sau những khoảng lặng mất mát. Và đó cũng chính là những giá trị di sản gần như không thể tái tạo.

Bản làng ngày càng thay đổi, những nếp nhà sàn ngày càng được lấp đầy cũng như sự lấp đầy kiến thức của người dân bản làng nơi vùng cao bìa rừng. Họ đã dần tách cuộc sống của mình ra khỏi rừng, họ đã chọn bảo vệ rừng và tôn vinh những giá trị mà thiên nhiên đã ưu đãi cho con người./.