DetailController

Quốc phòng - An ninh

Đưa Pháp luật về vùng khó khăn

22/07/2014 00:00
Vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn cũng là những địa bàn có trình độ dân trí không đồng đều. Do vậy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn còn có những hạn chế. Xác định rõ những khó khăn đó, những năm qua với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, việc đưa pháp luật về những địa bàn khó khăn trên địa bàn tỉnh đã và đang được đẩy mạnh. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Học sinh trường Phổ thông DTNT liên xã Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) được tuyên truyền Luật giao thông đường bộ

          Thiếu hiểu biết pháp luật, người dân vô tư... phạm tội

Với người dân ở những vùng sâu, vùng xa, nhiều đời nay cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác lâm sản trên rừng. Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức pháp luật, hầu hết người dân không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Cho đến khi, TAND huyện Đà Bắc đưa 45 bị cáo  là người dân thuộc 2 xã Tân Minh và Đoàn Kết ra xét xử về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại khu Bảo tồn thiên nhiên Pu Canh thì người dân mới biết là mình... vi phạm pháp luật.

Cũng giống như người dân ở các xã vùng cao, vùng xa của huyện Đà Bắc, đã từng có thời kỳ người dân ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) chỉ tuân theo những quy định, quy ước trong dòng họ, nội tộc, cộng đồng dân cư xóm bản. Ý thức, nhận thức pháp luật của người dân hầu như rất mờ nhạt. Chính vì lẽ đó những năm trước đây, việc chấp hành các quy định pháp luật của người dân ở 2 xã rất hạn chế, các vi phạm pháp luật xảy ra thường xuyên và phổ biến. Đặc biệt là việc chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ như đội mũ bảo hiểm, không chở quá số người theo quy định, không điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông... hầu như đã bị người dân bỏ qua, không thực hiện. Cùng với đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hiện Kế hoạch hóa gia đình; việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng bị người dân phớt lờ. Do vậy, tình trạng sinh con thứ 3 và tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến ở Hang Kia, Pà Cò và tình trạng này còn kéo dài trong nhiều năm. Theo số liệu thống kê, năm 2011 cả 2 xã có 30 cặp vợ chồng tảo hôn (trong đó, xã Hang Kia có 24 cặp, xã Pà Cò 6 cặp), từ năm 2012 đến hết năm 2013, tuy tình trạng tảo hôn đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra với 12 cặp (xã hang Kia 10 cặp và Pà Cò 2 cặp). Không chỉ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở hang Kia, Pà Cò còn rất hạn chế. Nhất là trong việc chấp hành pháp luật liên quan đến công tác phòng - chống ma túy, phòng - chống tội phạm. Theo số liệu thống kê, tính từ năm 2010 cho đến ngày 20/9/2013, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh đã bắt quả tang 26 đối tượng là người Mông thuộc 2 xã Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu) thu giữ hàng trăm bánh Heroin. Tính riêng trong năm 2013 lực lượng chức năng đã đấu tranh, bắt giữ 11 vụ, 13 đối tượng ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) thu giữ hơn 8 bánh heroin, 7,29 gam thuốc phiện, 609 viên MTTH...

Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa pháp luật đến với người dân

Đồng chí Bùi Văn Vình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Trước thực trạng nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở các xã vùng sâu, xa, cao của tỉnh còn hạn chế, Sở Tư pháp đã phát huy vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, dễ tiếp thu, dễ hiểu để người dân nắm được, hiểu được. Từ đó, tích cực góp phần làm chuyển biến về nhận thức cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Tính riêng trong năm 2013, ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp tổ chức được 2.590 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 183 nghìn lượt người nghe, học tập. Trong đó đã chú trọng vào tuyên truyền các đạo luật như Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Luật giao thông đường bộ... Đồng thời, ngành Tư pháp các cấp cũng đã đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý ở cơ sở. Trong năm 2013, cơ quan Tư pháp các cấp đã tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động được 193 đợt tại 251 điểm của 154 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố. Thông qua đó, đã tư vấn được 2.124 việc cho trên 20 nghìn lượt người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa khó khăn của tỉnh như Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng (Đà Bắc) về các lĩnh vực như hình sự, dân sự, hành chính; khiếu nại, tố cáo, đất đai, phòng chống bạo lực gia đình... Đồng chí Bùi Văn Vình cho biết thêm: ngoài việc thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật, ngành Tư pháp tỉnh còn chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của UBND tỉnh về luân chuyển tủ sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật của UBND xã với điểm bưu điện văn hóa xã và Trung tâm học tập cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các đầu sách pháp luật khi có nhu cầu. Thông qua các tủ sách pháp luật cũng đã thu hút được hơn 20 nghìn lượt người đến nghiên cứu, khai thác.

 Để công tác trợ giúp pháp luật ngày càng đi sâu vào đời sống và trở thành một “kênh” tuyên truyền hữu ích, phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở, thời gian qua ngành Tư pháp tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương tập trung củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở. Tính đến hết tháng 3/2014 toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 2.048 tổ hòa giải cơ sở với 11.624 hòa giải viên ở 100% xóm, bản, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Các tổ hòa giải đã phát hiện và tham gia hòa giải 100% vụ việc phát sinh trong cộng đồng dân cư với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Góp phần hàn gắn những rạn nứt, mâu thuẫn, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ vi phạm pháp luật trong đời sống gia đình, xã hội tại khu dân cư. Góp phần ổn định ANCT - TTATXH ở cơ sở...

“Những kết quả trên chính là điểm nhấn quan trọng trong công tác đảm bảo giữ gìn ANCT - TTATXH cũng như tích cực nâng cao ý thức và nhận thức pháp luật của người dân, nhất là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh”, đồng chí Bùi Văn Vình khẳng định.