DetailController

Quốc phòng - An ninh

Đưa luật về với dân - Hành trình “xóa mù” pháp luật

12/01/2010 00:00

Năm 2009, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng chính sách, những người ít có điều kiện tiếp cận với kiến thức pháp luật, trình độ dân trí pháp lý còn nhiều hạn chế.

Nhân dân xã Noong Luông (Mai Châu) tham dự một buổi tuyên truyền pháp luật TGPL tại cơ sở

Đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý của tỉnh ta hiện có hơn 200 người, bao gồm cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh và các cộng tác viên. Từ 37 cộng tác viên ban đầu, đến nay, lực lượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý đã có 189 người. Cùng với hơn 400 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, gần 3.500 tuyên truyền viên pháp luật cơ sở. Đây là lực lượng đang góp phần tích cực, không ngừng nỗ lực đưa luật về với dân. Theo kế hoạch, hàng tháng, quý, Trung tâm TGPL tỉnh xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý. Chi nhánh TGPL các huyện khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó, Trung tâm phối hợp tổ chức tư vấn lưu động tại cơ sở cho những đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lưu Văn Thường, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Trong năm qua, Trung tâm phối hợp với các chi nhánh đã tổ chức tư vấn được 8.844 việc, trong đó, tư vấn tại văn phòng 2.010 việc, tư vấn lưu động 6.713 việc. Chủ yếu ở các lĩnh vực: chế độ chính sách 4.025 việc, đất đai 2.812 việc, HN&GĐ 861 việc, dân sự 603 việc… Tư vấn cho đối tượng người nghèo 1.751 việc, người dân tộc thiểu số 4.312 việc, trẻ em 43 việc.

 
Đà Bắc là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, nhất là đường giao thông về các xóm còn cách trở. Điều này đã có những tác động đến việc TGPL trên địa bàn. Khắc phục mọi khó khăn, những người làm công tác tuyên truyền pháp luật, TGPL nơi đây đã không quản ngại, dành nhiều tâm huyết cho hành trình “gánh luật lên non” dẫu còn nhiều gian truân, vất vả để đưa pháp luật về với bản làng, với người dân vùng cao. Những chuyến đi ngược dốc đường đá hay cheo leo bên sườn núi cao đến các xóm, bản luôn để lại ấn tượng khó quên đối với mỗi cán bộ làm công tác TGPL của huyện. Khó khăn là vậy nhưng khi đến với bà con được đón tiếp nhiệt tình, các buổi tư vấn thu hút đông đảo người dân tham gia là động lực thúc đẩy công tác TGPL trên địa bàn tích cực hơn. Năm qua, toàn huyện đã tuyên truyền pháp luật cho trên 8.400 lượt người, TGPL được trên 500 việc.
 
Anh Bùi Văn Biền, cán bộ tư pháp xã Trung Bì (Kim Bôi) cho biết: Công tác tuyên truyền pháp luật được cấp ủy xã, chính quyền quan tâm nên đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật trên địa bàn. Hoạt động tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như phối hợp với các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, nông dân…) phổ biến pháp luật đến từng đối tượng; lồng ghép với các hội nghị, các cuộc họp xóm, khu dân cư; thông qua sinh hoạt câu lạc bộ TGPL xã, tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, phát tờ rơi đến các xóm… Nhờ đó, tình hình ANTT trên địa bàn xã được ổn định, giữ vững, không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.
 
Chị Vũ Thị Hường, cán bộ Chi nhánh TGPL huyện Tân Lạc chia sẻ: Đi TGPL ở các xóm vùng sâu, đặc biệt khó khăn nhận thấy nhu cầu được TGPL của người dân rất cao do trình độ nhận thức cũng như điều kiện tìm hiểu kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Những việc bà con có yêu cầu tư vấn đều là những vấn đề liên quan thiết thực đến cuộc sống của người dân, vì không nắm rõ quy định của pháp luật nên thường xảy ra va chạm. Nhiều vụ việc khi được giải thích, tư vấn bà con mới biết là mình đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, mặc dù những đợt đi TGPL có thể khó khăn như phải đi bộ đến từng xóm, không có điện, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn… nhưng tinh thần của những người làm công tác TGPL luôn nhiệt tình, hăng hái để hướng dẫn, trợ giúp pháp luật cho người dân, giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật. Giải thích cho người dân hiểu, được người dân lắng nghe, quan tâm tìm hiểu các quy định của pháp luật với đời sống đã tạo niềm vui, phấn khởi cho những người làm công tác phổ biến pháp luật nhiệt tình hơn, gắn bó hơn với công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2009, đội ngũ cán bộ TGPL của huyện đã thực hiện tư vấn được gần 1.200 việc, trong đó có 772 việc tại văn phòng, trên 400 việc tư vấn lưu động.
 
Đặc biệt, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đã có sáng kiến tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc. Với trên 90% dân số là đồng bào Mường và Dao, trình độ văn hoá còn hạn chế. Tạo điều kiện cho người dân nắm bắt quy định pháp luật nhanh, dễ hiểu, xã đã tiến hành dịch nội dung các văn bản Luật sang tiếng Dao để tuyên truyền trực tiếp hoặc thu âm phát trên hệ thống loa truyền thanh tại các xóm. Anh Triệu Bá Sơn, cán bộ tư pháp xã cho biết: Trong năm qua, xã đã tổ chức được 8 buổi tuyên truyền pháp luật tại 5 xóm thu hút gần 900 lượt người tham dự về các lĩnh vực bạo lực gia đình, phòng chống cháy rừng, đất đai, hôn nhân gia đình, ATGT… Tại các xóm có đông đồng bào Dao sinh sống như Phủ, Rãnh, Cha, sau khi tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, cán bộ tuyên truyền trực tiếp bằng tiếng Dao, nhờ đó giúp cho bà con dễ tiếp thu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
 
Từ thực tế một bộ phận dân cư, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng người nghèo, chính sách có ít cơ hội tiếp cận tìm hiểu pháp luật, kiến thức pháp lý còn hạn chế, công tác tuyên truyền pháp luật - TGPL thực sự là kênh thông tin hữu hiệu trang bị kiến thức pháp luật cho người dân. Tình hình an ninh trật tự nhờ đó cũng ổn định hơn do mỗi người đã có ý thức sống tuân thủ pháp luật, hạn chế rõ tình trạng khiếu nại - tố cáo tràn lan, vượt cấp.