Với chức năng tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh về công tác quản lý sâu bệnh bảo vệ mùa màng, Chi cục đã đảm nhiệm tốt công tác dự tính dự báo tình hình sâu bệnh, nắm chắc diễn biến sâu bệnh hại, thông báo kịp thời cho lãnh đạo ra quyết sách xử lý, phòng trừ kịp thời khi xảy ra dịch.
Chị Sa Thị Bình Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh là người gắn bó lâu năm với ngành nông nghiệp, và là một trong những đại biểu của ngành đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnhDlần thứ III được tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua. Chị tham gia hoạt động dự án Bảo tồn, phát triển, ứng dụng đa dạng các nguồn gen thực vật cộng đồng (dự án Bucap) từ những ngày đầu triển khai. Hiện chị là giảng viên cấp quốc gia của chương trình. Đồng hành cùng người nông dân, chị Minh cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Chi cục vừa là cây cầu nối đưa KH-KT đến nông dân, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng theo hướng quản lý tổng hợp bảo vệ môi trường. Đồng thời trực tiếp cùng bà con bám ruộng bám đồng, miệt mài nghiên cứu lai tạo ra các giống lúa mới phù hợp với đồng đất địa phương.
Triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và dự án Bucap đã khắc đậm vai trò của đội ngũ cán bộ, kỹ sư nông nghiệp trong hành trình với người nông dân. Hàng chục năm qua đã ghi dấu ấn của họ trên những cánh đồng, thửa ruộng. Trong lĩnh vực này, việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con không chỉ nói suông hay mở các hội nghị là xong mà cần làm thực tế với bà con nông dân, cũng phải lội ruộng như những người nông dân thực thụ - chị Minh chia sẻ. Từ các lớp IPM trên cây lúa, ngô, rau, các buổi hội thảo đầu bờ, lớp học hiện trường, các khóa huấn luyện, đội ngũ cán bộ của chi cục luôn song hành cùng người nông dân, cùng theo dõi, nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng. Năng lực, kỹ thuật canh tác, hiểu biết về sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất của người nông dân từ đó được nâng cao. Đặc biệt, với chương trình Bucap đã nâng cao rõ rệt trình độ của người nông dân. Từ thụ động trong việc sử dụng giống lúa, người nông dân đã được trang bị kiến thức để có thể trực tiếp lai tạo ra các giống mới cho sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Trong đó, nổi bật là nông dân xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì (huyện Kim Bôi) đã lai tạo thành công giống lúa MĐ1, MĐ25, nông dân thôn Mu Riềng, xã Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn) lai tạo được giống lúa MCRIII. Từ năm 2005, 3 giống lúa trên được đưa ra các điểm Bucap của 7 huyện, thành phố gieo trồng ở cả 2 vụ xuân, mùa đã cho kết quả phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, đáp ứng các yêu cầu như giống ngắn ngày, khả năng chống chịu mầm bệnh, ít mắc sâu bệnh khi có dịch, có thể sử dụng giống cho vụ sau…Hiện các giống lúa này đang được trồng khảo nghiệm trên diện rộng tại 4 điểm thuộc các huyện Kỳ Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn. Đến nay đã có 9 huyện sử dụng giống lúa này, có những HTX sử dụng đến 70% giống để gieo trồng. Đặc biệt, chị Minh đã có sáng kiến để nông dân thực hiện đăng ký bảo hộ giống cây trồng đối với 2 giống lúa MĐ1, MĐ25 và đang được khảo nghiệm để Bộ NN&PTNT công nhận giống mới.