Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đang hoạt động lĩnh vực bưu chính với 216 điểm phục vụ bưu chính, gồm 189 điểm Bưu điện - văn hóa xã, 27 bưu cục. Toàn tỉnh hiện có 134 điểm Bưu điện - văn hóa xã có mạng internet. Bán kính phục vụ/điểm bưu chính là 2,63 km2. Các doanh nghiệp Bưu chính đã tập trung khai thác tốt mạng lưới, vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát đảm bảo đúng lịch trình, kịp thời, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán, các ngày lễ kỷ niệm và các sự kiện chính trị lớn của tỉnh, của đất nước; chủ động xây dựng các cơ chế linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng, các dịch vụ mới đã được triển khai như: dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH; chuyển phát hành chính công; kinh doanh đa dịch vụ phục vụ nhân dân; tiết kiệm bưu điện; tín dụng hưu trí… Duy trì và đảm bảo 100% xã có báo đến trong ngày.
Công tác quản lý phát triển hạ tầng viễn thông, internet bảo đảm theo quy hoạch. Ngành chức năng chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng và sản xuất, kinh doanh, phát huy được những lợi thế, cạnh tranh lành mạnh. Các doanh nghiệp viễn thông tập trung đổi mới hệ thống quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh; tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các đơn vị trong ngành nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả; đẩy mạnh các dịch vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao góp phần tăng năng suất lao động. Nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng mạng lưới đáp ứng yêu cầu phục vụ các cơ quan Đảng, chính quyền cũng như phục vụ nhu cầu sử dụng viễn thông - công nghệ thông tin của khách hàng.
Các nhà mạng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, không để tình trạng nghẽn mạng xảy ra trong các dịp lễ, Tết. Hệ thống thông tin liên lạc của các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đã có sự kết hợp chặt chẽ với hệ thống thông tin liên lạc của các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn và trong khu vực phòng thủ; kết hợp giữa phương tiện thông tin liên lạc hiện đại và thô sơ để đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, vững chắc, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong mọi tình huống. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp đầu tư hạ tầng viễn thông và cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet là: VNPT Hòa Bình, Chi nhánh Viettel Hòa Bình, FPT, Mobifone và Vietnammobi với 25 tổng đài chuyển mạch; 210 xã có cáp quang đến trung tâm xã, có dịch vụ điện thoại cố định, đạt 100%; phủ sóng di động 100% xã; 209/210 xã, phường, thị trấn có trạm BTS, đạt 99,5%. Tổng số trạm BTS toàn tỉnh có trên 2.198 trạm. Toàn mạng duy trì trên 700 nghìn thuê bao điện thoại, trong đó có trên 64 nghìn thuê bao cố định, thuê bao di động trả sau. Tỷ lệ máy điện thoại đạt khoảng 80 máy/100 dân. Số lượng thuê bao internet đạt trên 50 nghìn thuê bao, trên 48 nghìn thuê bao truyền hình.
Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2019, toàn tỉnh đã dành 86 tỷ đồng thực hiện tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin dự án "Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hòa Bình" 45 tỷ đồng; thiết lập mới và nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở 39,4 tỷ đồng; đào tạo, tập huấn 500 triệu đồng; công tác tuyên truyền 1,1 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh mới có 122/191 xã đạt tiêu chí số 8, bằng 63,9% số xã toàn tỉnh; giai đoạn này gồm 2 chỉ tiêu thành phần, trong đó, 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và 63,9% xã có internet đến thôn. Bước sang giai đoạn 2016-2019, xã đạt tiêu chí phải đạt 4 nội dung, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, dự kiến hết năm 2019, có 100% xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông.