DetailController

Văn hóa

Đón Tết cùng người Mường ở thủ đô

15/02/2013 00:00

Khi người Kinh sửa soạn cúng ông Công, ông Táo là lúc người Mường, (xã Yên Trung, Thạch Thất - Hà Nội) háo hức đi chợ phiên, say mê đánh cồng chiêng, mời ông bà, tổ tiên về đón Tết. Xuân về, trên những con đường men chân núi, người Mường khắp 7 thôn rộn ràng đi chợ. Người gánh gồng, người thồ xe, người đi bộ, tiếng cười nói dội vào vách núi vang lên lanh lảnh. Thấm thoắt đã tròn 4 năm trở thành công dân thủ đô nhưng người Mường xã Yên Trung vẫn giữ nguyên những nét văn hóa độc đáo trong ngày Tết...

Ông Nguyễn Văn Xuyến và gia đình xum vầy trong ngày Tết.

Yên Trung là xã xa nhất của huyện Thạch Thất - Hà Nội, nằm co mình trong núi, cách trung tâm huyện gần 30 cây số. Toàn xã có 3.500 nhân khẩu, trong đó, 83% là dân tộc Mường. Theo anh Nguyễn Tùng Long, cán bộ văn hóa xã Yên Trung, dù cuộc sống có nhiều chuyển biến, nhất là sau khi sáp nhập về Hà Nội nhưng người Mường nơi đây vẫn giữ được nhiều nét đẹp cổ truyền trong ngày Tết. Cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui... là nét đẹp văn hóa đúc kết từ xa xưa khi nói về truyền thống sinh hoạt, văn hóa ẩm thực của người Mường.

 

Ngày Tết, ông Nguyễn Văn Xuyến ở thôn Lặt, xã Yên Trung cùng con trai mổ lợn, xẻ thịt gác bếp, trong khi vợ và con dâu Đinh Thị Hiền nhanh tay chọn từng chiếc lá dong tươi gói bánh chưng. ông kể: Ngày ấy, khi núi rừng còn hoang vu, khi người lớn rào chắn nhà cửa cẩn thận đề phòng hổ dữ, trẻ con vẫn hồn nhiên chúm chím khoe áo mới. Như đã thành lệ, mỗi dịp cuối năm, gia đình nào cũng mổ một con lợn, dù to hay nhỏ, họ làm cỗ mời anh em, hàng xóm ăn mừng xuân sang. Cùng với bánh chưng, mâm cỗ ngày Tết của người Mường ở Yên Trung không thể thiếu ba đặc sản: bánh chéo kheo, nem chua hun khói và cá đồ. Bánh chéo kheo là món đặc biệt nhất, được gói bằng lá hó, một loại lá chỉ có trên núi, mỗi lá gói được hai chiếc bánh, gấp lại thành một đôi, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa thắm thiết, bền chặt. Trước đây, khi còn ở nhà sàn, người Mường không lập bàn thờ, chỉ đến Tết mới dựng ban thờ bằng phên đan. Nhưng giờ, nhà cửa kiên cố, người Mường cũng lập bàn thờ cúng tổ tiên. Ngày Tết, bàn thờ được trang trí câu đối, mâm ngũ quả và đặt hai cây mía hai bên tượng trưng cho gậy ông vải. Trong đêm giao thừa, sau lễ cúng, bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Đồng Sổ, xã Yên Trung) cùng nhiều phụ nữ Mường thôn Đầm Bối, Đồng Tơi, thôn Hội, thôn Hương... không quên rủ nhau ra giếng làng, mỗi người gánh về một xô nước, vẩy khắp nhà cầu may năm mới. Chỉ khi đã đầy đủ cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui..., cái Tết đó mới thực sự tươm tất và trọn vẹn.

 

Tết đối với người Mường là khoảng khắc nghỉ ngơi, xum vầy cùng gia đình. Sáng mùng một, gia đình nào cũng chọn một người có uy tín trong làng hay dòng tộc để xông nhà như người Kinh, họ hy vọng người đó sẽ mang lại thật nhiều may mắn, tài lộc cho gia đình. Trong dịp Tết, không ai bảo ai, người Mường luôn thân thiện, đối xử với nhau ôn hòa; họ kiêng nói tục, chửi bậy và đánh nhau trong ngày Tết. Họ quan niệm rằng, nếu gia đình nào có người phạm phải điều này, cả năm sẽ bị xui xẻo. Khách đến chúc Tết, họ mời nhau chén trà, ăn trầu và thưởng thức chè lam, kẹo lạc. Phụ nữ Mường luôn tự tay làm đồ ăn, thức uống mời khách. Bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Đồng Sổ) từ bé đã “học lỏm” các công thức làm chè lam, kẹo lạc của bà và mẹ: “Con gái Mường ai cũng khéo tay, đến tuổi lấy chồng là phải biết làm các loại bánh cổ truyền, làm cỗ, têm trầu. Khách đến chúc Tết phải biết hát đưa đẩy bài “Mời tù” (Mời trầu): “Chăng ăn cầm lệ eng ơi” (Không ăn cầm lấy anh ơi) trong tiếng cồng luyến láy, trầm bổng. Ngày xuân sẽ thêm nồng đượm”.

 

Mới ngày nào sống trong ánh đèn dầu tù mù, xã Yên Trung hôm nay đã có ánh sáng của điện, đường sá, trường học khang trang... Đời sống của gần 3.500 người đang có những bước chuyển mình vượt bậc, dù chưa hết khó khăn. Con đường đất lầy lội dẫn vào thôn Lặt đã được đổ bê tông trị giá hơn 3 tỷ đồng. 2 xóm hẻo lánh, lâu nay vẫn được gọi vui là vùng mù thông tin như thôn Hương, thôn Hội đã có điện để xem tivi, nghe đài, chạy máy xay xát... 7 thôn xã Yên Trung đang dần chuyển mình theo từng tháng, từng năm. Với anh Nguyễn Tùng Long, cán bộ văn hóa xã Yên Trung: “Dẫu phong tục lễ Tết của người Mường đã có nhiều thay đổi, nhiều gia đình bắt đầu ăn Tết 23 tháng chạp, mua cá về thả, họ đơn giản hóa mâm cỗ cúng tổ tiên... nhưng văn hóa Mường vẫn có những nét đẹp không thể hòa lẫn”.

 

 

                                                                                     Hải Yến