Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là: Giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, hàng hóa hiệu quả bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp xanh. Xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu. Phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chuyển từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từng bước hướng tới các “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”… Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế trong việc đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân nông thôn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực khác, ngành nông nghệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại tới các yếu tố khách quan, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Do đó, cần thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp để đáp ứng yêu cầu mới của phát triển đất nước và phù hợp với xu thế chung của thời đại.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Nông nghiệp Việt Nam - những thách thức và cơ hội; kinh nghiệm của toàn cầu về chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp; thách thức đối với chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam sang phát thải thấp trong bối cảnh quốc tế; vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh - bài học chính cho Việt Nam; hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với nông nghiệp Việt Nam…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Vấn đề của chúng ta không phải là lựa chọn, mà là hành động. “Phải có những 'passport' trong ngành nông nghiệp để giúp chúng ta mở ra thêm nhiều cánh cửa. 'Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội'. Đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân”. Để thực hiện được cần phải đổi mới tư duy, nhận thức, cách tiếp cận, phương pháp nhằm tạo ra mô hình phát triển mới trong nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Quan tâm nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững cần có những cam kết chính trị trong cải cách thể chế, hỗ trợ chính sách vào đầu tư nông nghiệp./.