Ngay từ khi thực hiện chương trình, công tác tuyên truyền được triển khai đúng hướng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của chính quyền và người dân. Phong trào thi đua “Kỳ Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được đông đảo cán bộ, đảng viên nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo đó, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”…Ban chỉ đạo 800 huyện đã tổ chức phát động phong trào thi đua, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực, tới nay có 02 xã đạt 19 tiêu chí, 1 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 5 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, 1 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí.
Trong 5 năm qua, toàn huyện đã huy động trên 52.000 ngày công lao động, nhiều hộ gia đình hiến đất để làm đường giao thông và các công trình hạ tầng xã hội khác, tổng diện tích hiến đất khoảng trên 47 nghìn m2 đã huy động trên 351 tỷ đồng từ các nguồn thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phát huy tiềm năng đất đai, huyện đã triển khai xây dựng được một số mô hình kinh tế cho hiệu quả khá như: Mô hình chăn nuôi lợn nái với tổng số 85 hộ/5 xóm ở xã Hợp Thịnh với tổng trị giá 286 triệu đồng; mô hình trồng cây có múi tại xã Hợp Thịnh; mô hình trồng ngô lai, mướp đắng lấy hạt, trồng phật thủ, nuôi gà thả vườn, xây dựng cánh đồng mẫu tại 05 xã với tổng diện tích 51,5ha….Các mô hình kinh tế trên đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập người dân. Tới nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 32 triệu đồng, còn 4,3% hộ nghèo, 4,5% hộ cận nghèo.
Diện mạo nông thôn miền núi của huyện có nhiều khởi sắc, đặc biệt là hệ thống đường giao thông. Với phương thức Nhà nước hỗ trợ nhân dân cùng làm, toàn huyện đã cứng hóa được 18.703m đường giao thông nông thôn, đảm bảo giao thông thuận tiện, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế địa phương, tới nay có 3/9 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Hệ thống điện được nâng cấp, đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sản xuất, dân sinh, đã có 6/9 xã đạt tiêu chí số 4 về điện. Tuy nhiên một số tiêu chí còn gặp phải nhiều khó khăn như tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, giáo dục, y tế, môi trường còn ít xã đạt chuẩn do thiếu kinh phí đầu tư.
Qua thực tiễn xây dựng nông thôn mới, huyện Kỳ Sơn rút ra một số kinh nghiệm sâu sắc. Trong đó, trước nhất cần phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo quyết liệt và cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng sự quan tâm của toàn xã hội; cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phát huy tính chủ động, sáng tạo, nội lực trong nhân dân; phải nắm vững mục tiêu và hệ thống NTM để có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân ở từng địa phương; phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra và có giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho chương trình.
Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Kỳ Sơn phấn đấu có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm. Cụ thể: Về giao thông: có 100 % xã có trục giao thông liên xã được cứng hóa, bê tông, tỷ lệ đường thôn xóm được cứng hóa trên 60 %, đường giao thông nội đồng được cứng hóa trên 50 %; về thủy lợi: Tỷ lệ kênh mương do xã quản lý được cứng hóa trên 75% đảm bảo nước tưới cho 85 – 90 % diện tích gieo cấy; đến năm 2020 80% số xã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm đạt trên 95%; đến năm 2020 có 75% số trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 0,5%, đến năm 2020 còn 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 %; tỷ lệ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 100%./.