Theo Báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác dân tộc giai đoạn 2009 - 2014 và phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc đến năm 2020 của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn từ Chương trình 135 thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất là 94.460 triệu đồng. Với nội dung hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng vat vật nuôi đã giúp cho các hộ dân nghèo giảm bớt khó khăn trong đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp. Các mô hình được tổ chức thực hiện thành công đã mở ra hướng phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật trực quan giúp các hộ nghèo giải quyết được việc làm, tăng thêm thu nhập. Dự án cũng đầu tư hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp, giúp tăng năng suất lao động và từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại địa phương… Ngành nông nghiệp ưu tiên bố trí nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng các công trình nước sinh hoạt cho vùng dân tộc. Tính đến nay có trên 82% tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả về chính sách vay vốn đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch nhu cầu vay vốn với tổng kinh phí trên 75 tỷ đồng cho trên 9.400 hộ và phân công nhiệm vụ cho các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố. Triển khai thực hiện với chính sách đặc thù ưu tiên cho vay hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo và việc chuyển hình thức hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo, việc chuyển hình thức hỗ trợ trực tiếp sang hình thức cho vay tín dụng với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã tạo bước chuyển đáng kể trong nhận thức của người dân, nâng cao ý thức tự lực, kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Mặt khác các cấp, các ngành thường xuyên phối hợp với tổ chức kiểm tra việc cấp phát 24 đầu ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn xây dựng quy chế sử dụng các ấn phẩm được cấp đảm bảo phát huy hiệu quả trong việc thông tin, tuyên truyền. Việc cấp phát các ấn phẩm báo chí đã góp phần chuyển tải được thông tin quan trọng, những chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đến vùng dân tộc thiểu số. Từ đó niềm tin của người dân vảo Đảng và Nhà nước ngày càng tăng cao, nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Đồng thời giúp đồng bào học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc và miền núi có nhiều chuyển biến tốt, dịch vụ trợ giúp pháp lý đã tiếp cận với người dân. Công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng được chú trọng. Bình đẳng giới từng bước được tạo lập giúp người dân nâng cao nhận thức, vươn lên phát huy vai trò của bản thân trong gia đình và xã hội. Hệ thống chính trị vùng dân tộc thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được góp phần tạo nên sự đổi mới ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cần được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung tháo gỡ như: kinh tế ở các cùng dân tộc nhìn chung còn chậm phát triển; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn cao; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc ngày càng tăng; một số nét đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống trong các dân tộc thiểu số đang có xu hướng mai một.
Từ thực tiễn trên, để làm tốt công tác dân tộc cần thiết phải nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, coi việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ, công chức ở các cơ quan đơn vị từ tỉnh đến cơ sở cần nắm vững phương châm thực hiện công tác dân tộc; đi sâu nghiên cứu tình hình, đặc điểm của vùng dân tộc, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc; động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển chung của đất nước./.