Phần sơ chế như đã nói ở trên. Khi chế biến, chủ yếu có ba loại: món nướng, món luộc, món hấp. Món luộc là món được thái ra từ các bộ phận của con lợn được luộc chín tới, thịt được thái mỏng, bày trên lá chuối đã hơ lửa và được lau sạch. Trên mỗi lá có bày đủ các loại thịt: một ít thịt mông, một ít thịt dọi, một ít xương, một ít mỡ, một chút thịt nạc, vài miếng dồi, vài miếng lòng non…Trên cùng là vài miếng chả bọc lá bưởi nướng than hồng. Một mâm có thể có 1 lá, hoặc 2 - 3 lá… tùy theo lượng thực khách. Trong cỗ lá không thể thiếu được món ngách lãi - món được làm từ các thứ thịt: tai, mũi, lưỡi, má của chiếc đầu con lợn bóc ra. Sau khi thái vừa ăn, được trộn với các gia vị như gừng, giềng, muối và óc lợn bóp nát. Đây là món mang đặc trưng ẩm thực Mường nhất trong cỗ lá. Bát canh xương lợn nấu trong nước luộc, thái vài lát nõn cây chuối rừng non được gọi là canh loóng. Thứ này để dã rượu, giúp các tửu đồ uống được nhiều rượu mà không bị ngã, không bị say tại mâm.
Ngoài ra, mỗi mâm đều có bát tiết canh lợn đỏ au, đông quánh. Bổi đánh tiết canh là ruột lợn băm, trộn với một số lá thơm của rừng núi Hòa Bình. Xôi nếp gạo nương được đồ chín tới, gói vuông vức trong tàu lá chuối đã hơ lửa cho mềm. Mở ra thơm sực, trắng ngần vừa dẻo vừa ngậy, nhai lâu ngọt thỉu.
Tất cả các món được bưng ra đãi khách. Rượu nấu lấy bằng men lá của rừng, của núi. Độ cồn vừa phải, uống êm dịu. Xong là ngủ ngon giấc, một cảm giác lâng lâng nhẹ khi vừa được thưởng thức bữa cỗ lá thật đặc biệt