
Trong thời gian qua, tiềm lực về khoa học và công nghệ của tỉnh được tăng cường cả về cơ sở vật chất và con người; mạng lưới các Tổ chức Khoa học và Công nghệ được phát triển; toàn tỉnh hiện có 20 tổ chức và 7 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 49 Tiến sĩ và Chuyên khoa 2, tăng 700% so với năm 2013; 856 Thạc sĩ và Chuyên khoa 1; tổng số cán bộ Khoa học và Công nghệ toàn tỉnh là 269 người.... Việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho khoa học và công nghệ được quan tâm, từ năm 2013 đến nay, đã triển khai 9 đề tài, Dự án Khoa học và Công nghệ với tổng kinh phí đầu tư là 87,9 tỷ đồng. Nhiều thiết bị hiện đại được đầu tư và làm chủ như: hệ thống nhà lưới điều khiển tự động, nhà nuôi cấy mô cùng các thiệt bị chuyên dùng theo dây chuyền công nghệ cao phục vụ công tác nghiên cứu, thí nghiệm, xây dựng phòng thử nghiệm đạt chuẩn Quốc gia. Dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ, bước đầu tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ cho một số doanh nghiệp phát triển theo hướng khoa học công nghệ ở lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh có giá trị cao sau khi được hỗ trợ từ các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, nhất là cây có múi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ tại tỉnh còn bị hạn chế, hoạt động đầu tư nghiên cứu KH&CN, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm; Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực KH&CN....
Tại buổi làm việc, Tỉnh Hòa Bình đã đưa ra một số kiến nghị với Quốc hội về: Chính sách ưu tiên hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao, cụ thể là việc xây dựng mô hình quản lý, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp khoa học công nghệ ở Trung ương về địa phương; tạo điều kiện để địa phương tham gia vào các chương trình nghiên cứu ứng dụng hàng năm của Bộ KH&CN; Hỗ trợ địa phương đào tạo bồi dưỡng các chuyên gia cán bộ kỹ thuật chuyên ngành tập trung các lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao; đối với các tỉnh phía hạ lưu Sông Đà, cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đưa ra mọt số kiến nghị với Đoàn công tác về ưu tiên phân bổ ngân sách sự nghiệp KH-CN cho các tỉnh miền núi khó khăn như Hòa Bình; thành lập quỹ để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Thay mặt đoàn, đồng chí Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường của Quốc hội tiếp thu các kiến nghị của tỉnh trình cấp có thẩm quyền.Đồng chí đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh đối với lĩnh vực KH-CN và những kết quả đạt được. Đồng chí gợi mở tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển tài sản trí tuệ vì có nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế. Có cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo môi trường làm việc cho họ.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát tại Công ty TNHH Thủy hải sản Hòa Bình và Công ty Cổ phần Biopharm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ./