Trong những năm qua, công tác pháp chế trong lĩnh vực giáo dục luôn được tỉnh Hòa Bình quan tâm thực hiện. Ngành Giáo dục đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tập huấn về xây dựng văn bản, quản lý văn bản, tổ chức các hội nghị triển khai thực hiện các văn bản mới ban hành. HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục như: Nghị quyết 293 ngày 3/8/2020 về quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập năm 2021- 2022; Nghị quyết số 27 ngày 29/7/2021 quy định về mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở GD&DT đang thực hiện quy trình xây dựng Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ; Nghị quyết về các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; Quy định chính sách ưu đãi đối với hoạt động xã hội hóa đầu tư thuộc lĩnh vực GD&ĐT, dạy nghề, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình…
Tuy nhiên, việc thực hiện các văn bản pháp luật về giáo dục trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các đơn vị trường học còn lúng túng, chưa kịp thời, có lúc có nơi chưa hiệu quả; việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học ở 1 số đơn vị còn hình thức; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế là cán bộ kiêm nhiệm chưa được đào tạo trình độ Cử nhân Luật....
Ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh trong thực hiện công tác pháp chế trong lĩnh vực giáo dục, các thành viên đoàn kiểm tra đề nghị làm rõ thêm một số nội dung: Về tổ chức, biên chế, phân công cán bộ pháp chế của ngành; công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình triển khai Luật Giáo dục năm 2019; công tác quốc phòng - an ninh, giáo dục chính trị, tư tưởng trong nhà trường; tình hình thực hiện các quy định về quản lý văn bằng, chứng chỉ…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn những ý kiến đóng góp của Đoàn công tác đối với công tác pháp chế trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng chí đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến của Đoàn để tổng hợp báo cáo và xem xét triển khai thực hiện. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất một số nội dung: Đề nghị bố trí biên chế làm việc công tác pháp chế có trình độ Cử nhân Luật để đáp ứng nhu cầu hiện nay; có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về việc lựa chọn Sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông để lập dự toán chi hội đồng lựa chọn SGK mới; quan tâm công tác giáo dục quốc phòng an ninh trong trường học; việc cấp văn bằng chứng chỉ nên phân cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương, Bộ Giáo dục - Đào tạo có các văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện. UBND tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục làm tốt công tác pháp chế và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao quyết tâm thực hiện công tác pháp chế về giáo dục của tỉnh Hòa Bình. Với những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trong chương trình làm việc, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra thực tế một số nội dung liên quan đến công tác pháp chế, công tác văn thư lưu trữ và bảo vệ bí mật Nhà nước, quản lý văn bằng, chứng chỉ… tại Sở GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hòa Bình./.