Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 chương, 120 điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục. Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có ý thức, phẩm chất, năng lực công dân, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi, hoàn chỉnh các điều, khoản trong dự thảo như: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình sách giáo khoa GDPT và thi tốt nghiệp THPT; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; đầu tư và tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; QLNN về giáo dục; các kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách pháp luật và một số vấn đề quan tâm khác. Trong đó, nội dung được nhiều đại biểu góp ý đó là: quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; xem xét việc duy trì các Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục công lập; chính sách đối với người học liên quan đến học bổng, trợ cấp xã hội, tín dụng sư phạm; quy định độ tuổi đầu vào đối với giáo dục mầm non…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tại hội nghị. Tổng hợp các nội dung đã thảo luận, đồng chí Trưởng ĐBQH đánh giá các nội dung được đưa ra hết sức rõ ràng, chất lượng, có hiệu quả, cung cấp cho Đoàn ĐBQH nhiều thông tin để góp ý sửa đổi, hoàn thiện luật./.