Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cho rằng trên thực tế số vụ án dân sự có sự tham gia của Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chiếm tỷ lệ không cao nên chất lượng tranh tụng không cao. Hầu như rất ít trường hợp có người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa giám đốc thẩm, phiên tòa tái thẩm xét xử vụ án dân sự. Nhiều trường hợp, đương sự chỉ phát biểu tranh luận “đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật”. Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này là: số lượng luật sư của nước ta còn ít lại tập chung chủ yếu ở các đô thị; phí dịch vụ thuê luật sư quá cao, Nhà nước chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát sự không tương xứng giữa giá trị và chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ pháp lý của luật sự. Cá biệt, có trường hợp luật sư của hai bên đương sự bắt tay nhau cùng làm tiền các thân chủ. Do đó đề nghị dự thảo có quy định điều chỉnh vấn đề này.
Vấn đề sử dụng án lệ sẽ đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Đây là một yêu cầu quan trọng đối với hoạt động xét xử của tòa án, theo đó đường lối xét xử phải là nhất quán, các vụ án giống nhau cần phải được giải quyết giống nhau. Việc áp dụng pháp luật thống nhất còn bảo đảm thực hiện nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; không thể có trường hợp cùng một tình tiết như nhau mà trong vụ án này, bị cáo bị phạt tù (giam) còn vụ án khác bị cáo lại được phạt tù (nhưng cho hưởng án treo)... Ở một mức độ nào đó, việc áp dụng luật thống nhất còn giúp cho mọi người có thể dự đoán trước kết quả giải quyết vụ án, do đó góp phần hạn chế kiện tụng, hạn chế khiếu nại giám đốc thẩm; Đồng thời việc sử dụng án lệ còn giúp cho công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TAND Tối cao được kịp thời, đầy đủ.
Thực tế dự thảo quy định Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, tôi cho đây là công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, dự thảo cần quy định trách cụ thể hơn để Viện kiểm sát cần phải nhận thức đúng và đầy đủ về quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị là những quyền năng cơ bản và quan trọng nhất của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự để thường xuyên rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện các quyền năng này; bảo đảm có chất lượng, đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế oan sai trong các cơ quan tố tung.
Về trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, quy định tại Điều 11 và Điều 12, (dự thảo) Bộ luật tố tụng dân sự thì khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán; Tòa án xét xử độc lập và quyết định theo đa số (Điều 14 BLTTDS). Cần lưu ý rằng, Hội thẩm nhân dân chỉ tham gia tố tụng xét xử vụ án dân sự tại cấp tòa sơ thẩm và Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Do vậy, nếu căn cứ vào những quy định nêu trên thì vai trò trong trong tố tụng xét xử dân sự đối với Hội thẩm nhân dân là rất lớn, ngang quyền với Thẩm phán, cùng với lá phiếu của mình có thể quyết định tình đúng, sai, thắng, thua của đương sự trong vụ án. Rõ ràng, trên lý thuyết chúng ta đã nhận thấy tính độc lập, dân chủ và khách quan trong công tác xét xử sơ thẩm từ những quy định nêu trên. Tuy nhiên, thực tế về vai trò xét xử của Hội thẩm nhân dân có đảm bảo được các tính chất nêu trên hay không là một chuyện khác. Đề nghị dự thảo cần xem xét và nhìn nhận khách quan về vấn đề này từ góc độ pháp lý.
Về công nhận hòa giải thành, đề nghị dự thảo không cần can thiệp qua sâu của Tòa án trong việc công nhận hòa giải thành. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích phát triển hòa giải thì cần có quy định phù hợp là tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự quyết và tự chịu trách nhiệm của các bên. Điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 411 dự thảo là (không có tranh chấp sau khi có kết quả hòa giải) sẽ khiến các đương sự lúng túng với tâm trạng tưởng rằng dự thảo đã mở nhưng thực chất là đóng. Bởi điều kiện như vậy đã vô hiệu hóa phương thức hòa giải khi có tranh chấp xảy ra. Đây cũng có thể là bẫy để bên thiếu thiện chí vận dụng kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ, dẫn tới vô hiệu kết quả hòa giải. Dự thảo nên xem xét bỏ điều kiện này, vì nếu đưa ra sẽ dẫn tới rủi ro cho phương thức hòa giải và việc hòa giải cũng không còn ý nghĩa.
Về Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, thực tế xét xử hiện nay ở cấp phúc thẩm có nhiều bản án khiến cho người dân không yên lòng, buộc lòng người ta phải gửi đơn lên cấp trên. Tuy nhiên, giám đốc thẩm được tăng thêm thẩm quyền mà người dân không chấp nhận kết quả, họ lại tiếp tục khiếu kiện lên cấp trên thì vẫn vậy. Nếu chỉ mở rộng thẩm quyền giám đốc thẩm mà giải quyết được vấn đề thì quá đơn giản. Tuy nhiên thực tiễn không phải vậy. Trước đây cũng có quy định quyền này cho giám đốc thẩm tuy nhiên trong thực tiễn, mở rộng thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm không đúng với hai cấp xét xử. Chính vì thế, các Luật Tố tụng sau này đưa vấn đề xét xử phúc thẩm trở về đúng vị trí của nó. Vấn đề còn lại là tổ chức thế nào thật tốt theo thẩm quyền. Riêng vấn đề này thì luật pháp chưa đủ mà còn là lương tâm, trách nhiệm của các thẩm phán.
Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có ý kiến về giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải (theo quy định của Bộ luật TTDS, giải quyết vấn đề này thế nào sao cho hiệu quả. Theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai chỉ đưa ra vấn đề hoà giải ở cấp cơ sở với tính chất là một thủ tục tiền tố tụng nhằm tạo điều kiện cho các bên gặp nhau đạt được thoả thuận mà không coi thoả thuận này là thủ tục cuối cùng. Mặt khác, cũng không có quy định nào của pháp luật xác định giá trị ràng buộc về hiệu lực pháp lý của biên bản hoà giải thành cấp cơ sở. Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền chỉ có thể thực hiện việc hoà giải như một thủ tục tiền tố tụng mà không thể thay thế việc giải quyết tranh chấp đất đai của Toà án. Do vậy, việc các bên có thoả thuận tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn không thể làm mất quyền khởi kiện ra Toà án của các bên đương sự. Toà án chấp nhận hay bác yêu cầu của các bên đương sự phụ thuộc vào việc xem xét và đánh giá các chứng cứ do các bên xuất trình và các chứng cứ khác được thu thập theo trình tự do Luật định. Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và công nhận sự thoả thuận của các bên đương sự theo một trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định để đảm bảo sự thoả thuận đó có hiệu lực thi hành./.