DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình thảo luận tại Hội trường tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

01/06/2022 00:00
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành thời gian 1,5 ngày (ngày 01/6 và sáng 02/6) thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội trường

Tham gia phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh, bày tỏ sự đồng tình với những nhận định, đánh giá về những kết quả đạt được, cũng như những khó khăn hạn chế và các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các báo cáo của Chính phủ.

Đồng thời đại biểu cũng đưa ra một số có một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, cụ thể như sau:

Một là về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong những tháng đầu năm 2022, việc thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp và người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp và người dân; sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án trong danh mục thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt và đối với các dự án mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy trình rút gọn để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, tránh tình trạng “ùn ứ” vốn vào cuối năm hoặc phải chuyển nguồn sang năm sau.

Hai là về khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư. Hiện nay, trong nền kinh tế có một lượng lớn vốn đầu tư đã được Quốc hội quyết định cần được giải ngân như: nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu Quốc gia; trong khi để triển khai dự án đầu tư phải thực hiện rất nhiều các thủ tục như: chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu….Do đó, đề nghị Chính phủ cần sớm phân bổ chi tiết các nguồn vốn đầu tư để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Ba là đối với việc đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh. Theo phương án mà Chính phủ trình Quốc hội, thì từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư 2 đoạn là Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, còn đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến sẽ tiến hành đầu tư sau năm 2025. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ về hình thức đầu tư cũng như chưa xác định cụ thể thời gian hoàn thành đoạn tuyến này. Để đảm bảo hiệu lực nghị quyết của Quốc hội cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu bố trí nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025 để tiến hành đầu tư tất cả các đoạn tuyến còn lại dự án đường Hồ Chí Minh để đảm bảo thông toàn tuyến, tiến tới hoàn thành toàn bộ dự án.

Bốn là đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư phát triển king tế - xã hội. Đồng thời, cho phép UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch đường cao tốc đi qua địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giảm tải cho Bộ Giao thông vận tải./.