DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

27/05/2022 00:00
Chiều ngày 26.5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đại biểu Ngô Văn Tuấn phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thanh tra năm 2010 và hoàn thiện chính sách, pháp luật về Thanh tra. Đại biểu Ngô Văn Tuấn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, dự thảo Luật tuy đã đề cập đến các vấn đề bất cập hiện nay của công tác thanh tra nhưng còn một số nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Điển hình như, về việc xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán, dự thảo Luật chưa giải quyết được vấn đề về số lượng các cuộc thanh tra, kiểm toán chồng chéo trên cùng một đối tượng thanh tra. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định đối tượng thanh tra phải chịu bao nhiêu cuộc thanh tra trong năm. Về thời hạn thanh tra, đại biểu Ngô Văn Tuấn đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể về thời hạn từ khi công bố quyết định thanh tra đến khi ban hành kết luận thanh tra để khắc phục tình trạng không ban hành được kết luận thanh tra. Đồng thời, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về thời hạn khắc phục kết luận thanh tra để đảm bảo việc thi thành kết luận thanh tra được tuân thủ nghiêm minh.   

Đồng quan điểm về việc xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán, đại biểu Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ đang quy định về việc xử lý chồng chéo trong một thời điểm cụ thể. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định việc xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán trong trường hợp cơ quan thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra với cùng một đối tượng thanh tra.

Góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra, đại biểu Đặng Bích Ngọc đồng tình với việc duy trì hệ thống cơ quan thanh tra như hiện nay, đặc biệt về Thanh tra huyện. Đại biểu cho rằng, cơ quan thanh tra cấp huyện ngoài việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra còn thực hiện các nhiệm vụ khác như giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, do vậy hoạt động của Thanh tra huyện là cần thiết nhằm đảm bảo các công tác trên được tiến hành ngay từ cấp cơ sở.

Liên quan đến việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đại biểu cho rằng việc thành lập các cơ quan thanh tra này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế công tác thanh tra hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị quy định tiêu chí thành lập các cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để đảm bảo không tăng biên chế, tinh gọn bộ máy. Đối với nội dung về Thanh tra sở, đại biểu băn khoăn về thực trạng bố trí biên chế Thanh tra sở hiện nay chưa thống nhất. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật ngoài quy định về Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên cần quy định về công chức khác trong hệ thống cơ quan thanh tra.  

Đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể các vấn đề: Hệ thống y tế cơ sở, xây dựng hành lang pháp lý cho đội ngũ y tế gia đình, khám chữa bệnh trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị rà soát, quy định chi tiết, chặt chẽ các nội dung về quản lý ngân sách trong xây dựng chính sách của Nhà nước về khám chữa bệnh; giá dịch vụ khám chữa bệnh; xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh đảm bảo thống nhất và khả thi trong thực tế.