Chất vấn trực tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu, dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có đưa ra mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5%. Theo đại biểu, thực tiễn thời gian qua, lạm phát toàn cầu tăng mạnh, tính đến quý II năm 2022 là 7,8%, trong khi đó Mỹ 8,2%, các nước sử dụng đồng tiền chung Euro lên tới 10% trong tháng 9. Trong khi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế có độ mở vào diện cao nhất thế giới, nhiều nguyên vật liệu đầu vào để phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc vào nhập khẩu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng cao. Bên cạnh đó, tác động của xung đột Nga và Ukraine, Trung Quốc đang thực hiện chính sách zero COVID đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì vậy, mục tiêu đặt ra CPI khoảng 4,5% có khả thi. Đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ rõ giải pháp thực hiện mục tiêu đó.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đặng Bích Ngọc, Thủ tướng chính phủ cho biết, Việt Nam kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, nội hàm cần quan tâm trong kìm hãm lạm phát là "cầu kéo" giảm đi và "cung đẩy" phù hợp. Theo đó, cần tìm điểm cân bằng quan trọng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Với kinh nghiệm nhiều năm kiểm soát lạm phát, chúng ta phân tích được những tác động đến tình hình lạm phát trong nước, trong đó nhóm hàng hóa, dịch vụ tác động lớn nhất tới rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như ăn uống, vật liệu xây dựng, trang thiết bị đồ gia dụng, ăn mặc, giáo dục, y tế. Do đó, chống lạm phát chúng ta phải tập trung vào những nhóm này. Về kiểm soát cung đẩy, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành loạt chính sách liên quan tới xăng dầu, như giảm thuế môi trường, giảm phí, lệ phí liên quan tới xăng dầu…để giảm giá đầu vào. Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm của Việt Nam là chúng ta tự chủ lương thực thực phẩm, với nông nghiệp là trụ đỡ, tích cực rà soát việc lên giá của vật liệu, đồng thời khẳng định giữ ổn định vĩ mô rất quan trọng, trong đó, phải tìm điểm cân băng giữa tăng trưởng - lạm phát - việc làm.