Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 10/6 Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Bộ luật dân sự ( sửa đổi). Tại Tổ thảo luận số 06, dự thảo Bộ luật thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, tham gia phát biểu thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình có các đại biểu: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Nguyễn Tiến Sinh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Các vị đại biểu trong Tổ tập trung thảo luận các nội dung về: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân; pháp nhân; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; lãi xuất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu và thời hiệu thừa kế.
Đại biểu Bùi Văn Tỉnh đồng tình với việc sửa đổi Bộ luật để phù hợp với thực tiễn đang vận động của đời sống, với Hiến pháp năm 2013 và cho rằng dự án Bộ luật dân sự ( sửa đổi) hết sức quan trọng, chi phối nhiều mối quan hệ dân sự trong xã hội, tuy nhiên trong dự thảo đề nghị sửa đổi nhiều điều, nên cần xem xét kỹ, để khi ban hành tránh những quy định khó thực hiện. Đồng thời đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung quy định rõ hơn về quyền xác định, xác định lại dân tộc ( Điều 29) để phát huy được các chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với con em dân tộc thiểu số; đề nghị bổ sung việc xác định về quê quán, xem xét có quy định phù hợp hơn về quyền đối với họ, tên và quyển thay đổi tên.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Bộ luật, đồng tình với dự thảo quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự ( Điều 5,6 và 14); đối với quy định về quyền nhân thân cần quan tâm về việc đặt tên, việc xác định dân tộc, giới tính cho phù hợp tránh gây khó khăn trong việc làm thủ tục tư pháp đối với cá nhân để bảo vệ tối đa quyền con người; về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cần quy định chặt chẽ về trách nhiệm, nghĩa vụ để tránh bị lợi dụng; tại Chương IV quy định về pháp nhân đề nghị cần xem xét để quy định thêm về “ pháp nhân công” cho phù hợp với thực tiễn; về quy định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản cần có quy định rõ hơn để tránh việc tranh chấp khó xử lý, đảm bảo được quyền tối đa của ba bên: bên thế chấp, bên nhận thế chấp và bên được nhận, tặng, cho…tài sản thế chấp ( Điều 483).
Góp ý vào dự thảo Bộ luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cơ bản đồng tình với các nội dung sửa đổi mà dự thảo đã nêu, tuy nhiên đại biểu cho rằng về quyền thân nhân ( Điều 25 đến Điều 38) cần quy định thêm về quyền của người được đặt tên; về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng ( Điều 658) cần xem xét để quy định rõ hơn sao cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội ./.