Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 04/6 Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), dự án Luật thống kê (sửa đổi). Tại Tổ thảo luận số 06 (Hòa Bình, Cần Thơ, Hưng Yên, Đồng Tháp), hai dự thảo Luật thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội.
Các vị đại biểu đều đồng tình với việc sửa đổi hai Luật nêu trên đảm bảo phù hợp với thực tiễn đang vận động của đời sống xã hội, yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật, tuy nhiên đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, có quy định cụ thể để đảm bảo tính chính xác, khách quan, đơn giản hóa một số quy định theo hướng có lợi cho người dân. Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) đại biểu cho rằng tại Điều 19 quy định về bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hành chính cần nghiên cứu cho đúng với thực tiễn bởi trong thực tiễn việc tranh tụng chỉ diễn ra trong phiên tòa xét xử, như vậy là chưa có sự thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án hành chính, chưa nêu rõ tính chất tranh tụng trong từng giai đoạn tố tụng; tại Điều 32 quy định về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đề nghị cần xem xét làm rõ hơn để mọi khiếu kiện của nguyên đơn đều được tòa án tiếp nhận, xem xét, không nên loại trừ; Điều 33, 34 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương cần nghiên cứu cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Ngoài ra đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét, quy định rõ ràng nội dung tại Chương VIII dự thảo Luật (nội dung mới) về phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Góp ý vào dự thảo Luật thống kê (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng tại Điều 3 quy định về mục đích của hoạt động thống kê thể hiện vai trò rất quan trọng của hoạt động thống kê, tuy nhiên chưa thấy có quy định về tính chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức công bố về số liệu thống kê ảnh hưởng đến việc sử dụng số liệu trong đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chính sách…trong phát triển kinh tế- xã hội và nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân. Đại biểu đề nghị cần có quy định thống nhất về phương pháp tính toán trong hoạt động thống kê để đảm bảo việc đối khớp số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê và các cơ quan khác./.