Về cơ bản các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, bảo vệ quyền con người…
Phát biểu tại buổi thảo luận đại biểu Đinh Thế Huynh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình có ý kiến cụ thể như sau: về dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu nhất trí với các nội dung dự thảo Luật đã nêu, tuy nhiên đại biểu cũng lưu ý cần quy định rõ về nguồn ngân sách để thực hiện các điều kiện tạm giam, tạm giữ, việc trông chờ vào nguồn kinh phí địa phương để thực hiện việc này là rất khó khăn ( nhiều việc còn cấp bách hơn),đề nghị ghi rõ vào Luật các quy đinh về kinh phí để đảm bảo điều kiện tối thiểu vê tạm giữ, tạm giam; về dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đề nghị giữ nguyên quy định đối với cơ quan được giao quyền thực hiện điều tra, tán thành với việc tiến hành điều tra bổ sung khi phát hiện tội phạm khác trong quá trình thực hiện điều tra, đồng thời có quy định cụ thể về thẩm quyền cơ quan được phép điều tra đối với tội phạm mới, phát sinh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng nhà tạm giam, tạm giữ cần độc lập với cơ quan điều tra để hoạt động giám sát điều tra của cơ quan có thẩm quyền được khách quan hơn, việc đầu tư xây dựng nhà tạm giữ, tạm giam ở các địa phương không đồng bộ, cần phân biệt rõ chế độ tạm giữ, tạm giam cụ thể trong Luật.
Đồng tình với đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy đề nghị cần xem xét, thống nhất giữa điều 29, điều 22 và điều 25 về tổ chức bộ máy cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Đồng thời cần xem xét thống nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại điều 30 cho phù hợp với điều 20 của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát./.