DetailController

Sức khỏe - Đời sống

"Lận đận" y tế tuyến xã

15/07/2011 00:00
Loay hoay mãi tôi mới tìm được ngõ vào Trạm y tế xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Trạm là hai dãy nhà cấp 4 cũ nằm cách quốc lộ 433 gần 200 m trong một ngõ nhỏ. Bề ngoài trông trạm như ngôi nhà ở từ thập niên 70, chỉ có điểm khác là trước cửa có phông chữ vận động mọi gia đình đưa con đi uống vitamin A và mấy tấm bìa ghi bằng bút bi nguệch ngoạc là phòng trực, phòng làm việc, phòng khám, phòng đẻ...
“Kho thuốc” của Trạm y tế xã Toàn Sơn (Đà Bắc) do các y sĩ, y tá đóng góp.

 

Ông Đặng Tiến Dũng, Trưởng Trạm y tế xã cho biết: Từ năm 1981, khi về nhận công tác đã thấy Trạm ở tạm như thế này. Cách đây gần 10 năm, có một tổ chức quốc tế tài trợ láng nền xi măng và đóng trần nhà bằng cót ép. Từ đó đến nay không thay đổi gì. Hiện, trạm có 5 phòng: 2 phòng làm việc của y sĩ, y tá, 1 phòng khám kiêm tư vấn, 1 phòng lưu bệnh nhân và một phòng đẻ. Phòng đẻ đang hỏng máy sấy nên lâu lắm rồi trạm không đỡ đẻ ca nào. Theo chức năng của trạm y tế xã khám, chữa bệnh, cấp thuốc BHYT. Hiện nay, toàn xã có hơn 2.000 hộ với khoảng 7.000 khẩu. Trong đó chỉ có 2.534 người là có thẻ BHYT, còn lại bệnh nhân đến khám đều không được cấp thuốc. Nếu người dân khám xong muốn mua thuốc phải đi cách trạm trên dưới 10 km. Do vậy, để tạo điều kiện cho bà con có thuốc sau khám, các y sĩ, y tá của trạm đã trích tiền từ chi khác, tiền lương của mình để bán thuốc.
Ở vùng nông thôn, là vùng có thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng là điều mơ ước của không ít người nhưng với bác sĩ Bùi Thị Sung, Trạm trưởng Trạm y tế xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) chẳng thấm vào đâu. Mấy năm trước, Trạm y tế xã được hai tổ chức phi chính phủ tài trợ 5 triệu đồng tiền thuốc và đây là “vốn” của trạm để “quay vòng”. Khi khám bệnh, bán thuốc trạm thu lại tiền và “tái đầu tư”. Đó là chuyện thuận buồm, xuôi gió. Nhưng chị Sung cho biết: Địa bàn xã có 1.200 hộ với hơn 5.000 khẩu sinh sống trong 19 xóm nhưng có tới 31% hộ nghèo. Trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, xóm xa nhất cách trung tâm xã 15 km đường rừng. Hiện tại, xã có 39% dân số có BHYT với nguồn quỹ thuốc 75 triệu đồng, còn lại 61% khám ngoài có nguồn quỹ thuốc 5 triệu đồng. Do đa số bà con kinh tế khó khăn nhưng không thuộc diện nghèo nên khi có bệnh là đến khám - chữa bệnh tại trạm, không lên tuyến trên. Khi khám - chữa bệnh, có khi cấp cứu xong đến khi thanh toán hoá đơn bán thuốc, nhiều người không có tiền. Do vậy, nguồn thuốc của trạm ngày càng kiệt. Để duy trì thuốc trong lúc chưa đòi được tiền, các bác sĩ, y sĩ bỏ tiền lương ra mua. Mặt khác, phần nhiều các hộ quen biết nhau nên đến khám - chữa bệnh nợ tiền thuốc.
 
Một trong những bất cập hiện nay ở y tế tuyến xã là nhiều cấp cùng quản lý. Bệnh viện Đa khoa cấp huyện, Trung tâm Y tế dự phòng huyện cấp thuốc và phối hợp xử lý dịch bệnh. Phòng y tế huyện quản lý hành chính. Về tài chính thuộc cấp xã quản lý. Trong khi đó, một trạm y tế xã phải thực hiện nhiều chương trình như triển khai 13 chương trình y tế quốc gia, khám - chữa bệnh BHYT, truyền thông, công tác DS-KHHGĐ Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, hầu hết UBND cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến các trạm tế xã. Việc chậm tăng lương, tính lương mới từ 1-2 năm là chuyện bình thường. Trước đây, mỗi năm, theo quy định, mỗi trạm y tế xã được cấp kinh phí 10 triệu đồng để mua văn phòng phẩm, sửa chữa phòng, giường bệnh, mua bàn ghế, sửa chữa máy vi tính và các trang thiết bị khác. Nhưng nhiều UBND các xã bỏ qua việc này. Chị Sung cho biết thêm: Đối với trạm y tế xã, khoản này mỗi năm chỉ được chi từ 3-4 triệu đồng. Bà Trần Thị Thanh Huyền, cán bộ Phòng y tế huyện Tân Lạc cho biết: huyện có 24 trạm y tế xã, thị trấn thì có đến 1/3 các xã, thị trấn chi không đủ cho các trạm. Có xã chỉ chi 1,7 triệu đồng/ năm, có trường hợp vài năm liền, cán bộ y tế không được truy lĩnh lương mới.