Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, những thành tựu khoa học, công nghệ đã được chuyển giao trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực Khoa học xã hội- Nhân văn đã được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu, theo hệ thống. Các đề tài tập trung chủ yếu vào các vấn đề xã hội, nhân văn có tính cấp thiết của tỉnh, như: Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa - lịch sử, truyền thống cách mạng đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình; giới thiệu những tiềm năng phát triển của mảnh đất Hòa Bình; nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động chuyên môn của các cấp, các ngành. Qua đó cung cấp những luận cứ khoa học cho tỉnh, các huyện để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các biện pháp tổ chức thực hiện. Đặc biệt, hai đề tài “Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình” và “Biên soạn từ điển song ngữ đối chiếu Việt - Mường, Mường - Việt” đã được thực hiện thành công, có ý nghĩa lịch sử góp phần bảo tồn, phát triển bền vững văn hoá dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đối với Khoa học tự nhiên, các nhiệm vụ nghiên cứu tập trung vào khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc hoạch định các chính sách về quy hoạch, khai thác sử dụng tài nguyên, khoáng sản, quản lý khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã “Xây dựng Alats điện tử phục vụ công tác quy hoạch và phát triển tự nhiên, kinh tế, xã hội tỉnh Hòa Bình” dựa trên cơ sở dữ liệu GIS và cập nhật 33 lớp bản đồ tỷ lệ 1:100.000. Ngoài ra, còn có Đề tài “Nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng tránh trượt lở tại xã Phúc Sạn, Mai Châu tỉnh Hòa Bình”; Đề xuất giải pháp về phòng chống sạt lở đồi Ông Tượng, đồi Máng nước (thành phố Hòa Bình). Từ kết quả của nghiên cứu, các ngành chức năng đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho di dời toàn bộ các hộ khỏi vùng nguy hiểm; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 17 tỷ đồng để người dân di chuyển đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, sau khi nghiên cứu “Ứng dụng thành công vật liệu bê tông sỏi nhẹ Kezamrit trong sửa chữa mặtđường Bê tông xi măng, mặt ngầm tràn và mặt cầu”, các đơn vị chức năng đã tìm ra được vật liệu mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh,vừa giúp tiết kiệm thời gian thi công, thời gian thông tuyến, vừa giảm giá thành sửa chữa so với phương án sửa chữa thông thường.
Đối với lĩnh vực Khoa học- Nông nghiệp, toàn tỉnh đã triển khai 75/186 đề tài nghiên cứu. Các đề tài tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là: Đưa nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu sâu bệnh và phù hợp với sinh thái ở địa phương, hướng tới phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, có thể kế đến là: Cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Nhãn Sơn Thủy.Cơ quan chức năng hiện đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 31 sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, các sản phẩm ngày càng khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, lĩnh vực Y, Dược cũng thu được nhiều kết quả tích cực. Những thành tựu trong lĩnh vực Y, Dược đã góp phần quan trọng vào công tác chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Một số đề tài tiêu biểu: Đề tài đánh giá thực trạng người mang gen ẩn bệnh Thalassimia độ tuổi từ 15-19 tuổi trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình; Đánh giá tuổi và yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp; Đề tài nghiên cứu thành phần hoá học, đánh giá hoạt tính sinh học của một số hợp chất chính phân lập được từ cây xạ đen tại tỉnh Hòa Bình đã phát hiện ra 01 chất mới có khả năng ngừa ung thư. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình sản xuất sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Các nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang đồng bộ, hiệu quả, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế- xã hội, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe Nhân dân và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng GRDP của tỉnh, tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng từ 23,08% năm 2016 lên 30,24% năm 2020; năng suất lao động tăng từ 5,25% năm 2016 lên 8,33% năm 2020. Bên cạnh đó, chỉ số đổi mới công nghệ, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh tăng dần qua các năm, đến năm 2021 đạt khoảng 10%./.