Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em như: Huy động nguồn lực dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế; công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về trẻ em cả chiều rộng và chiều sâu cần được đẩy mạnh, đổi mới; tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn tiếp tục xảy ra, đặc biệt là các trường hợp tử vong do đuối nước; việc đầu tư xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn... Nhận thức của cộng đồng, người dân về nhóm trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc dễ bị tổn thương chưa rõ ràng, chưa thấy hết được các yếu tố tiềm ẩn mới dẫn đến trẻ em có thể bị tổn thương.
Năm 2023, để tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, các cấp các ngành cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hướng tới mọi trẻ em nói chung đều được bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Trong đó mục tiêu cụ thể để triển khai thực hiện gồm có: Duy trì 100% huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn có Ban Bảo vệ trẻ em và có quy chế hoạt động hiệu quả.Tổ chức các chiến dịch/hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em. Củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cha mẹ trẻ và trẻ em. Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại tới trẻ em và trợ giúp, phục hồi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tạo cơ hội để các em được hòa nhập cộng đồng; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống của trẻ em giữa các vùng miền và nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Tổ chức hoạt động giám sát việc thực hiện hỗ trợ, can thiệp các trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đối với trẻ em, nhất là trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Các chỉ tiêu cần đạt: 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh duy trì Ban bảo vệ trẻ em; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống 14,5% năm 2023; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống 22,5% năm 2023; Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống còn 10,5%o năm 2023; Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 11%o năm 2023; Duy trì tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là 100%; Duy trì tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ ở bậc tiểu học 100%; Duy trì tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ ở trung học cơ sở là 97%; 100% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cở sở biết các quy định về an toàn giao thông; Trên 81% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước (Bao gồm: kỹ năng bơi và kỹ năng thoát hiểm); 85% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trẻ em bị xâm hại tình dục.
Nội dung các giải pháp thực hiện: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về trẻ em; đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em.
Tăng cường xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tiếp tục tổ chức phối hợp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xác minh, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đúng đối tượng.
Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng, vùng, miền.
Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chính quyền các cấp, cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
Tăng cường hợp tác quốc tế để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Tăng cường chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các Chương trình, kế hoạch của Trung ương, tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2021-2030./.