DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Điện đã sáng bừng Nước Ruộng

10/01/2013 00:00
Từ nhiều đời nay, bản Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi - Hòa Bình) gần như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài vì không có sóng điện thoại, không trạm y tế, lối vào bản là con đường độc đạo mới mở vào năm 2006. Điều đáng mừng là một năm trước, Nhà nước đã đầu tư 3,8 tỷ đồng để kéo đường điện chạy xuyên rừng, vượt núi, mang ánh sáng vào bản. Lần đầu tiên, ánh sáng văn minh đã thắp sáng toàn bộ cái bản bé nhỏ này khi Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần…

 

Cái nghèo ám ảnh

10 năm về trước, bản Nước Ruộng sống gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, thường thì cả tháng trời bà con mới gùi ngô, sắn vượt cổng trời ra phố bán, đi từ tảng sáng đến nửa chiều rồi lại vượt núi quay về với chốn rừng xanh núi đỏ. Nhiều khi đi đường, bà con phải cài dao ngang hông để phòng thú dữ, hoặc phát cây, vạch cỏ dại lấy lối đi.

Mãi năm 2006, khi Nhà nước cho máy móc vào san đồi xẻ núi, bà con mới có đường đi lại dễ dàng. Dù có đường, nhưng bản Nước Ruộng vẫn chênh vênh như sợi dây thừng mắc võng trên các ngọn đồi, uốn dưới chân núi.

Khi ngồi tại nhà ông Bùi Văn Xiêm, trưởng bản, uống rượu, nghe bà con kể chuyện, chúng tôi thấy vừa buồn cười, vừa thương cảm. Chuyện rằng, con nít của bản rất thích theo bố mẹ gùi ngô vượt núi ra chợ bán, chỉ với mong ước được nhìn ngắm mọi người, được xem xe máy, ô tô chạy tấp nập trên phố. Ông Xiêm cho biết: “Nước Ruộng bao năm chẳng khác gì một “ốc đảo”, ngày bà con lên nương làm rẫy, chăn thả gia súc, tối ăn cơm thì dùng củi thắp sáng, nhà nào “sang” lắm mới dùng đèn dầu. Mọi việc xảy ra ở bản hầu như chỉ có bản biết. Đánh nhau, gây gổ thì tự bản giải quyết, ốm đau thì lên rừng tìm lá lẩu mà đắp chứ không có trạm y tế. Cái nghèo khiến người ta tự biết cách để sinh tồn. Nhưng khổ nỗi cái nghèo vẫn bủa vây, đến nỗi con nít không có cả đôi dép lê để đi hàng ngày… Cái nghèo đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh của bà con”.

Ánh sáng đã về

“Có điện, có nghĩa là Đảng đã đưa ánh sáng chiếu rọi dân bản”, một bô lão đã nói với chúng tôi như vậy. Còn nhớ hôm chúng tôi vượt núi vào bản, không hiểu vì sao mà toàn bộ bà con đều biết, đều ở nhà mà không chịu lên nương. Họ gọi chúng tôi là cán bộ. Cán bộ đến có nghĩa là Đảng đến, ai nấy đều vui mừng, xuýt xoa, rủ nhau đến nhà văn hóa để tiếp khách. Giới trẻ thì dựng giàn giáo, cắm cây nêu để chơi ném còn. Các bà, các mế thì lấy cồng chiêng ra đánh, tiếng loa của bản vang vọng giữa mênh mông núi rừng…

Trước khi tham dự trò chơi với bà con, mấy cụ bô lão vẫn cố níu giữ chúng tôi tại nhà ông trưởng bản nói chuyện. Ông Xiêm kể: “Ngày 21/12/2011, bản Nước Ruộng chính thức có điện. Điện về bản gấp quá nên bà con chưa kịp sắm sửa gì, nhiều hộ cũng chưa có điện nên Tết có nhà vui, có nhà không, song bản vẫn quyết định mổ con lợn gần 1 tạ và 1 con trâu mộng để ăn mừng. Giờ đây, trong tổng số 91 hộ thì hầu hết đã được dùng điện, nhiều nhà còn mua ti vi, chảo thu sóng, loa thùng, đầu đĩa hát vang khắp xóm…

Ông Xiêm vui vẻ nói: “Từ ngày Đảng cho điện, chúng tôi sướng lắm cán bộ à! Bà con gom tiền mua một cái máy xay xát, giờ không phải giã gạo bằng tay nữa, cứ cho lúa vào là ra gạo thôi, cán bộ thấy nó có lạ không?”.

Ông Xiêm cho biết thêm, ngày bản có điện, đồng bào quyết định cõng ngô, lúa vượt núi ra chợ bán, được bao nhiêu tiền đều dành mua bóng điện, dây điện. Thậm chí, để hiểu được điện, bà con còn cử hẳn một chàng trai của bản xuống Hà Nội học nghề để về làm thợ điện cho dân bản. Những chiếc đèn dầu giờ đều được cất trong tủ để làm kỷ niệm.

Chiều muộn, chúng tôi chia tay Nước Ruộng. Biết rằng hàng trăm người phía sau cổng trời vẫn còn nghèo lắm, thiếu thốn mọi thứ, nhưng với bà con, có điện nghĩa là tương lai sẽ tươi sáng hơn…