DetailController

Văn hóa

Đi chợ ngày Tết

29/01/2011 00:00
Hoa mơ, hoa mận bung nở trắng xoá ven đồi, báo hiệu một mùa xuân nữa lại về. Không chỉ là quãng thời gian đẹp nhất trong năm, xuân về mang theo dịp lễ lớn nhất đối với mỗi người Việt - Tết Nguyên đán. Người Việt thưởng thức hương vị Tết bằng nhiều thú vui khác nhau. Hoà cùng không khí náo nức chuẩn bị cho một cái Tết thật sự đủ đầy, có một thú vui mà có lẽ bất cứ ai, từ già đến trẻ đều rất thích, ấy là đi chợ Tết. Đối với không ít người, chợ Tết còn là câu chuyện về cuộc sống, sản vật, những đẹp phong tục...
Chợ hoa ngày Tết

 

Thường cứ sau lễ cúng ông Công, ông Táo về trời (ngày 23 tháng chạp) thì đi khắp chốn cùng quê, ta đã cảm nhận rất rõ không khí tưng bừng, náo nức của Tết. Chẳng biết tự bao giờ, đi chợ Tết không chỉ là niềm vui còn là phần không thể thiếu của Tết Nguyên đán. Trong không khí se lạnh, hoa đào, đỗ quyên, cúc, đồng tiền... bừng sáng không gian chợ. Cụ Nguyễn Thị Hạ (Phường Tân Thịnh- TP Hoà Bình) nay đã ngoài 70 tuổi nhớ lại: Dù trước đây cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vào những ngày này ra chợ là thấy bao nhiêu loại hàng hoá. Các gian hàng trong chợ bày bán đủ thứ: nào tranh ảnh, câu đối, quần áo mới, bánh kẹo, trái cây, cái nào cũng đẹp, cũng ngon, màu sắc sặc sỡ, lạ mắt. Quanh năm làm lụng vất vả, đến những ngày này, ai cũng tạm ngưng việc đồng áng, đi chơi chợ Tết như một thú vui mỗi dịp năm mới về.
 
Không ít người cho rằng, Tết đến bắt đầu từ những phiên chợ. Chợ ngày giáp Tết mang nét đặc trưng, khác biệt bởi được bày bán cả những thứ thường ngày không thấy, đó là những cành đào, cây quất, nay là cả những cây cam trĩu quả, thêm vào đó là lá dong gói bánh chưng, những phong bao lì xì đỏ tươi với nhiều hình in ngộ nghĩnh… Cha ông ta xưa có câu: “Muốn ăn Tết to, phải lo nhiều thứ” để nói lên rằng ngày Tết cần phải được chuẩn bị đủ đầy. Có thể cuộc sống còn những cơ cực nhưng ngày Tết, nhà nào cũng phải lục tìm trong trí nhớ những gì mình chưa có hoặc còn thiếu để sắm sửa. Từ nhánh gừng, củ riềng, quả ớt cay nồng, gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, dưa hành đến cá, gà, miến, măng... để làm cơm cúng gia tiên, hương, hoa, vàng mã, mâm ngũ quả trang trí trên bàn thờ, bánh, mứt, hạt dưa để mời khách trong những ngày Tết... Không ít người quan niệm rằng, những ngày đầu năm có suôn sẻ, cả năm mới thuận lợi. Do đó, họ mua sắm cho những ngày Tết đủ đầy với mong muốn năm mới “phát tài, phát lộc”, cuộc sống no đủ hơn. Cụ Nguyễn Thị Hạ chia sẻ thêm: Bôn ba với dòng đời ngược xuôi của cuộc sống, hình ảnh chợ ngày Tết vẫn mộc mạc, mang đậm nét văn hoá truyền thống. Nhìn các em nhỏ khoác lên mình những bộ quần áo mới tung tăng đi bên mẹ, bên chị... nói cười, không ít người như cụ thèm trở lại tuổi thơ.
 
Chợ Tết xưa và nay vẫn vậy, đông vui và đầy ắp mọi thứ, có phần đa dạng, phong phú hơn. Cùng với cuộc sống hiện đại chợ Tết bây giờ dường như cũng thêm phần tiện lợi, văn minh. Bên cạnh các chợ lớn, nhỏ, hệ thống siêu thị mọc lên khắp nơi, cách thức phục vụ cũng hết sức chu đáo. Cuộc sống bận rộn khiến không ít người không có nhiều thời gian dành cho việc sắm Tết. Thú vui đi chợ ngày Tết vì thế mà có phần mai một. Nhiều gia đình chỉ cần một buổi thôi, có khi tận ngày 29 hay 30 Tết cũng tạt qua một chợ hay một siêu thị bất kỳ là bạn có thể tự mua sắm tất cả những gì mình muốn, không thiếu một thứ gì: từ bánh chưng, giò lụa, dưa hành, bánh hộp, rượu đủ loại, đến vàng mã..., cả những cành đào, cây quất to sai trĩu quả. Chị Bùi Thanh Hương (Phường Phương Lâm- TP Hoà Bình) chia sẻ: Làm về lĩnh vực tài chính, công việc của tôi quanh năm bận rộn, gần Tết càng bận hơn. Không có nhiều thời gian dạo chợ mua sắm, tôi thường tìm đến siêu thị. Ở đấy cái gì cũng có. Từ bánh, mứt, kẹo... đến thịt, dưa, hành, bánh chưng... Song dẫu sao chỉ có đi chợ mua sắm mới cảm nhận được không khí Tết đang đến gần. 
 
Vào chợ ngắm Tết, ai từng ở nông thôn thấy rõ, các phiên chợ từ 27 đến 30 là những phiên náo nhiệt nhất. Chợ 30 Tết vào phiên đỉnh điểm, người mua, bán chen lấn, đông. Tiếng cười nói rộn ràng, đôi khi có cả tiếng sang sảng, chanh chua của các bà, các cô giới thiệu hàng, mặc cả giá... Chỉ thế thôi nhưng cũng góp phần làm phiên chợ ngày Tết thêm nhộn nhịp.
Nhà văn Vũ Bằng trong cuốn “Thương nhớ mười hai” đã viết: “Đất thì lầy lội, người thì đông, chen chúc xô đẩy ồn ào, mình mệt đứt hơi mà cứ phải đi theo xách làn mây lẽo đẽo, lắm lúc muốn thở hắt ra đi về. Nhưng nghĩ thế mà thôi, chứ chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem... chợ Tết”. Chẳng ai biết từ bao giờ, chợ Tết vẫn luôn có sức lôi cuốn người ta đến kỳ lạ như thế!