Đêm sông Đà
Đà Bắc là huyện nằm dọc men theo sông Đà đoạn chảy qua tỉnh Hòa Bình. Huyện lị cách trung tâm thành phố 12km, chiều dài huyện dọc theo con sông Đà lên đến gần 200km. Bên kia sông là các huyện Tân Lạc, Mai Châu. Đi ngược về phía cuối là giáp ranh với huyện Yên Châu của tỉnh Sơn La. Tiền Phong chính là điểm dừng cuối cùng của huyện Đà Bắc vì vẫn chưa có con đường bộ nào thông sang Sơn La. Mọi sự di chuyển đều phải ngược lại phía thị trấn Đà Bắc rồi đi ra theo đường thành phố Hòa Bình hoặc vượt sông Đà bằng thuyền. Tuy nhiên, rất ít người chọn cách đi này vì vừa mất thời gian vừa nguy hiểm, trừ những trường hợp bất đắc dĩ. Dòng Đà giang tính khí thất thường, nhiều người bị lật thuyền lật mà bỏ mạng giữa dòng, nhất là khi nước dâng lên vào mùa mưa bão.
Chúng tôi tìm đường vào xã Hiền Lương, xã liền kề với thị trấn Đà Bắc. Đi dọc con đường trải nhựa ngoằn ngoèo nhiều khúc quanh uốn lượn, lên xuống những bờ vực sâu thăm thẳm, có đoạn bị sạt lở vì bão vẫn ngổn ngang đất đá, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự hùng vĩ cũng như sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. Tuy nhiên vào những khi thiên nhiên không "trái gió trở trời" thì dọc miền sông Đà này hầu như là bình yên với sóng nước dập dềnh, với những đêm trăng dát vàng thơ mộng trên lòng hồ.
Có lẽ ít nơi nào của sông Đà lại có được cái yên bình như ở những lòng hồ nơi đây. Lòng hồ được hình thành do những khúc quanh theo núi của sông Đà khi núi lùi vào sâu bên trong thung lũng tạo nên. Theo thời gian, những thung lũng ấy bị sóng từ lòng sông liếm sâu dần trở thành những lòng hồ êm ả nước trôi. Dù là mùa hè mưa lũ hay mùa đông khô cạn, lòng hồ vẫn giữ được sự tĩnh tại nhất định. Độ chảy xiết của lòng sông Đà khi theo khúc quanh núi vào đến hồ cách chừng cũng 4, 5 cây số, sóng giảm dần, đến giáp khu dân cư thì mặt hồ trở nên yên ả lạ thường.
Dừng chân tại UBND xã Hiền Lương chúng tôi gặp ông chủ tịch xã Xa Văn Chính (SN 1946). Ông bảo, điều thú vị nhất ở nơi đây chính là những đêm đánh cá ngoài sông. Nhà ông cũng có 4 lồng cá nuôi ngoài lòng hồ và 6 cái vó cất cá. Thu nhập từ những lồng cá và vó cá này giúp cải thiện đời sống gia đình rất nhiều. Ông hứa buổi tối sẽ cử cậu con trai giỏi bơi chèo, giỏi cất cá đưa chúng tôi đi trải nghiệm một cuộc sống thật khác lạ. Đó là cuộc sống về đêm trên sông Đà. Đúng lời hẹn, khoảng 20h, sau bữa cơm thân mật, món măng tươi giòn cùng men rượu gạo tự nấu khiến chúng tôi ngây ngất và háo hức với một đêm trắng trên sông. Anh Xa Văn Huy (SN 1990), con trai ông Chính, rất nhiệt tình làm hướng dẫn viên đặc biệt cho chúng tôi.
Lần đầu tiên xuống chiếc thuyền nan nhỏ tròng trành, chúng tôi không khỏi thấy chới với. Nhưng cảm giác ấy mau chóng tan dần bởi gió từ lòng sông phả vào mặt mát lạnh tạo cảm giác rất lạ. Đêm trên lòng hồ sông Đà có thể nghe cả tiếng dế kêu ven hai bên bờ sườn núi. Tiếng mái chèo gõ vào mạn thuyền lạch cạch, đanh mà rất vang. Trong không gian tĩnh lặng ấy, nhìn lên là cả một bầu trời sao mênh mông. Phía dưới là lòng sông đen đặc huyền bí, xa xa có ánh đèn điện của những chiếc vó cá đêm. Tưởng như chỉ có mình ta với cả đất trời mênh mông, hoang vắng mà lại thú vị đến lạ kỳ.
Đang mải miết với những câu chuyện đời thường với người lái đò sông Đà (chúng tôi tự đặt cho người thanh niên trẻ cái biệt danh như thế vì 22 năm tuổi đời mà anh đã có thâm niên gần 17 năm lênh đênh với lòng hồ), chúng tôi bị giật mình bởi tiếng lách cách và sau đó là tiếng hô vang mà chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Biết tôi bị chột dạ, anh lái đò đính chính ngay: "Chị đừng sợ. Đó là một người bạn chài cùng cảnh đánh cá đêm thôi". Thì ra, những người đánh cá đêm thường chào hỏi nhau bằng tiếng gõ mái chèo lạch cạch vào mạn thuyền và nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc thuần túy (nơi đây đại đa số là người Mường sinh sống).