Hiện nay, Hội CCB tỉnh có tổng số trên 43.000 hội viên sinh hoạt tại 331 cơ sở hội. Ông Nguyễn Tài Ba, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Đời sống của nhiều hội viên nhìn chung còn nghèo, chính vì vậy Ban chấp hành Hội đã tập trung thực hiệnvà triển khai trên toàn tỉnh Nghị quyết chuyên đề III của T.Ư Hội CCB Việt Nam về “chăm lo đời sống hội viên và tổ chức động viên CCB tham gia phát triển KT-XH địa phương”. Từ chủ trương đó đã thu hút được đông đảo hội viên hưởng ứng, tạo thành phong trào có sức lan tỏa. Để giúp nhau về vốn sản xuất, việc xây dựng quỹ hội được phát triển rộng khắp với nhiều hình thức cụ thể như: đóng tiền mặt, nhận xây dựng các công trình, tăng gia sản xuất… đã nâng tổng số quỹ hội lên trên 9 tỷ đồng, bình quân đạt 215.000 đồng/hội viên. Từ nguồn quỹ đó, Hội đã trích gần 6 tỷ đồng cho hội viên vay không lãi hoặc vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Các cấp Hội đã nhận 257 tỉ 200 triệu đồng vay vốn uỷ thác của Ngân hàng CS- XH cho nhiều hội viên vay. 100% xã, phường, thị trấn thành lập được tổ kiểm tra vay vốn, nhờ đó nguồn vốn của ngân hàng đều được sử dụng đúng mục đích, nợ quá hạn dưới mức cho phép và không có trường hợp xâm tiêu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Hội còn trên 6%, giảm 825 hộ so với năm 2009, 38 xã và 2 huyện Hội không có gia đình hội viên nghèo.
Với ý chí tự lực, tự cường trong thời chiến cũng như thời bình, CCB tỉnh ta đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cùng với củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, những năm qua, Hội CCB tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, xoá đói- giảm nghèo, nâng cao đời sống cho mỗi hội viên với tinh thần “cựu” mà không cũ trên mặt trận kinh tế.
Nhằm nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế cho hội viên, các cấp hội đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tổ chức được 17 lớp tập huấn cho trên 1.000 lượt hội viên về xoá đói- giảm nghèo, vay vốn và chuyển giao KH-KT Hội CCB còn tạo thêm nguồn lực cho hội viên sản xuất - kinh doanh, động viên, giúp đỡ, tương trợ nhau bằng nhiều biện pháp như: góp vốn quay vòng, hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, vật liệu xây dựng…, từ đó kịp thời giúp đỡ hội viên khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Tỉnh Hội còn khuyến khích các hội viên thành lập, mở rộng các doanh nghiệp, công ty, phát triển mô hình trang trại. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.297 công ty, doanh nghiệp, trang trại, HTX… tạo việc làm thường xuyên cho trên 9.000 lao động là con em CCB và nhân dân trong vùng. Tiêu biểu có Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Lâm Bình, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) với doanh thu 55 tỷ đồng/năm thu hút 115 lao động; doanh nghiệp thương mại Thanh Giám, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chuyên kinh doanh nội thất, vật liệu xây dựng với tổng doanh thu 35 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động; Công ty Vinasan, thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) tạo được việc làm cho 215 lao động…
Đời sống được nâng cao, các cấp hội và hội viên có thêm điều kiện tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tại địa phương. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã ủng hộ, đóng góp được 320 triệu đồng cho Quỹ ngày vì người nghèo, khuyến học, ủng hộ hội viên chất độc da cam/điôxin, … Đặc biệt, tinh thần nghĩa tình đồng đội luôn được phát huy từ phong trào giúp nhau xoá nhà dột nát. Năm 2010, toàn Hội đã xoá được 14 nhà dột nát, trong đó có các Hội tiêu biểu cho phong trào này là Mai Châu, Yên Thuỷ, thành phố Hoà Bình… Thời gian tới, Tỉnh Hội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho hội viên.