Tại huyện Lạc Thủy, những năm qua, trồng và bảo vệ rừng đang là hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao nên nhiệm vụ trồng rừng hàng năm luôn được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn quan tâm chỉ đạo và các hộ dân hưởng ứng tích cực. Anh Ngọ Đình Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Lạc Thủy có 21.464 ha đất lâm nghiệp, chiếm 68,2% diện tích đất tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%. Do sớm nhận thức, xác định được lợi thế tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực dồi dào với những cơ chế, chính sách thông thoáng khuyến khích phát triển lâm nghiệp nên ở Lạc Thủy có khoảng 6.000 hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp với diện tích từ 0,5 ha trở lên. Lạc Thủy áp dụng tiến bộ KHKT tạo giống mới bằng phương pháp giâm hom chu kỳ rút ngắn còn khoảng 7 năm nhưng năng suất lại cao gấp 1,5 lần. Chính vì vậy, khối lượng gỗ thu được tăng dần qua các năm. Bình quân sản lượng gỗ toàn huyện đạt trên 40.000 m3, trên 5.000 ste củi nguyên liệu, trị giá gần 30 tỉ đồng. Ngoài diện tích được giao, nhiều hộ còn liên doanh trồng rừng kinh tế với công ty lâm nghiệp, lâm trường trong huyện. Các hộ còn phát triển nuôi gà thả vườn dưới tán rừng, nuôi ong lấy mật, xây dựng mô hình VACR liên hoàn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình đã làm giàu bằng kinh doanh rừng kinh tế cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Do làm tốt quy trình kỹ thuật từ khâu ươm giống, thực bì và chăm sóc nên tỷ lệ cây sống chiếm trên 90%. Cây keo tai tượng, lá chàm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện nên sinh trưởng, phát triển tốt.
Tìm hiểu tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình, được biết, đơn vị đã chuẩn bị trên 800 vạn cây giống đủ phục vụ trồng 650 ha rừng theo kế hoạch và cung cấp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. ông Nguyễn Trung Thắng, Giám đốc Công ty cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, Công ty đã hợp đồng với người dân, cử cán bộ giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, dựng lán trại tại hiện trường để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Nét mới mùa trồng rừng năm nay là ngoài đưa các loại cây lâm nghiệp có chất lượng gỗ tốt vào SX, đơn vị còn hướng dẫn người dân đào hố cục bộ thay vì san băng như trước đây để tận dụng nguồn nước tại chỗ, tránh xói mòn đất, đồng thời khuyến cáo hộ trồng rừng chuyển diện tích trồng bạch đàn lâu năm sang trồng keo lai để cải tạo đất. Đến nay, Công ty đã trồng được 800 ha, vượt kế hoạch 150 ha.
Năm 2011, tỉnh ta phấn đấu trồng được 8.000 ha rừng, duy trì độ che phủ rừng 46%. Đến hết tháng 8, toàn tỉnh đã trồng mới được 5.880 ha rừng các loại, đạt trên 73% kế hoạch. Trong đó, huyện Kim Bôi trồng được hơn 1.000 ha; Lạc Thủy gần 700 ha; Yên Thủy trên 600 ha; Cao Phong trên 600 ha; Đà Bắc trên 500 ha; Lương Sơn 600 ha; Kỳ Sơn trên 500 ha... Các công ty, trung tâm giống trên địa bàn đã chuẩn bị 10,8 triệu giống cây lâm nghiệp để trồng rừng theo kế hoạch năm 2011. Giai đoạn này có các đợt mưa rào nên việc triển khai trồng rừng khá thuận lợi. Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch và mở rộng diện tích rừng trồng, ngành chủ quản, các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố có rừng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ từ khâu vận động người dân phát huy tính chủ động, tích cực trong đầu tư, SX lâm nghiệp trên diện tích đất được giao đến hỗ trợ người dân thông qua các biện pháp như: hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp; quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp; bố trí cây trồng phù hợp thổ nhưỡng của từng vùng; chủ động kiểm tra, nghiệm thu các công đoạn nhằm bảo đảm chất lượng rừng trồng. Với các đơn vị kinh doanh cây lâm nghiệp, cùng với đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giao chủ động làm tốt dịch vụ cung ứng cây giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các đối tượng có nhu cầu. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ dân tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng mới trồng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai phát dọn thực bì trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng những năm trước.