DetailController

Khoa học - Môi trường

Đẩy mạnh việc thực thi chính sách pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

15/03/2019 00:00
Trong những năm qua công tác quản lý và bảo vệ môi trường nói chung, quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện. Tỉnh đã ban hành một số văn bản pháp quy: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/12/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Ke hoạch số 125/KH-ƯBND ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Chương trình số 54/CTr-UBND ngày 08/5/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/12/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 19/01/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình… Hệ thống văn bản trong thể chế quản lý môi trường chăn nuôi hiện có đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp người chăn nuôi định hướng trong sản xuất, ngoài quyền lợi tạo lợi ích kinh tế cho cá nhân, tập thể, còn phải có trách nhiệm với môi trường chăn nuôi, giúp đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Việc ban hành các văn bản, thực hiện việc quản lý về môi trường trong chăn nuôi được thống nhất.

Đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn cơ bản đều chủ động đầu tư xây dựng, lắp đặt các công trình xử lý chất thải chăn nuôi theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường được phê duyệt, xác nhận. Nước thải được xử lý theo quy trình: Thu gom, xử lý bằng bể biogas, sau đó được xử lý bằng hệ thống bể yếm khí, hiếu khí, lắng, ao sinh học và thải ra môi trường. Đã đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải theo đúng nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường.

Nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được trang bị, kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đối với cấp tỉnh, Chi cục Bảo vệ môi trường có 13 biên chế. Đội ngũ cán bộ của Chi cục Bảo vệ môi trường được đào tạo đúng chuyên ngành, đảm nhiệm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Lực lượng cảnh sát môi trường thường xuyên tổ chức trinh sát, nắm địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường. Đối với cấp huyện, xã đã bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường.

Phương pháp xử lý nước thải chăn nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là sử dụng công nghệ sinh học. Đối với nước thải được xử lý qua bể biogas, bể sục khí, ao sinh học. Đối với chất thải rắn sử sụng công nghệ ép và tách phân, ủ phân, sau đó sử dụng bón trực tiếp tại cơ sở hoặc bán ra bên ngoài. Đối với mùi, khí thải sử dụng chế phẩm vi sinh để phun vào khu vực chuồng trại nhằm giảm thiểu mùi phát sinh. Khí thải từ bể biogas được thu gom, cung cấp khí gas làm chất đốt cho hoạt động của cơ sở.

Các cơ sở chăn nuôi đã có ý thức đầu tư các công trình, biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Hàng năm, ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có các trại chăn nuôi. Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đã thường xuyên, tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện, xử lý được các vi phạm về bảo vệ môi trường, xả thải của các cơ sở chăn nuôi, đồng thời, hướng dẫn các cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, ý thức của các chủ cơ sở đã được nâng lên.