Trên cơ sở thực hiện Chỉ thị, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị mình để tổ chức thực hiện phong trào thi đua toàn diện, rộng khắp và bằng nhiều hình thức từ tỉnh đến cơ sở tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Động thái trên đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành cánh đồng lớn như: Vùng sản xuất cam Cao Phong; vùng sản xuất chè đen phục vụ xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Sông Bôi, huyện Lạc Thủy; vùng sản xuất cây có múi thuộc HTX nông nghiệp thương mại Mường Động, huyện Kim Bôi với diện tích 125 ha; vùng sản xuất nhãn an toàn thuộc HTX nông nghiệp Sơn Thủy, huyện Kim Bôi với diện tích 34 ha. Tỉnh đã thực hiện rà soát, xác định các khu sản xuất trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ sinh học (CNSH) tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đã xác định được 14 khu vực tại 7 huyện với tổng diện tích là 289,5 ha.
Tính đến tháng 12/2019 đã có 241 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được thành lập, chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX, 2.005 tổ hợp tác - nhóm liên kết sản xuất, 180 trang trại. Các HTX đã thực hiện ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, các chuỗi siêu thị, cửa hàng... đặc biệt là các HTX trồng trọt với lượng sản phẩm lớn về quả có múi (cam, chanh, bưởi) và rau an toàn. Hiện có 76 HTX có liên kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, 65 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho HTX, trang trại sản xuất. Việc hình thành các HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cùng liên kết với doanh nghiệp đã góp phần giải quyết được sản phẩm tồn đọng, giảm nhiều hiện tượng thương lái ép giá, giúp khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm mỗi vùng địa phương.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt 34 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với mục tiêu xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, khuyến khích liên kết, liên doanh. Thực hiện chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), trong năm 2019 đã đánh giá, xếp hạng 27 sản phẩm (trong đó 18 sản phẩm 3 sao, 9 sản phẩm 4 sao), đặc biệt với các sản phẩm nông nghiệp thì đây là bước đầu tiên trong việc xây dựng hình ảnh, tạo uy tín cho các sản phẩm để quảng bá, xúc tiến thương mại và thu hút liên kết, đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư... Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp tại các địa phương. Trong 03 năm (2016-2018) cải tạo được 3.799,9 ha vườn tạp, có 11.505 hộ tham gia với tổng kinh phí là 82.175,3 triệu đồng. Điển hình trong phong trào cải tạo vườn tạp là huyện Lạc Sơn có trên 700 ha vườn tạp được cải tạo; huyện Tân Lạc đã có trên 400 ha vườn tạp được cải tạo thành những vườn cây đặc sản với các loại cây trồng như su su, bưởi đỏ, bưởi da xanh, quýt ngọt, cam Canh...
Trên cơ sở thành công bước đầu, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40, thời gian tới tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm. Tập trung mở rộng quy mô sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao theo 3 trục: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm địa phương theo Chương trình OCOP. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, theo chuỗi giá trị. Chú trọng phát huy vai trò doanh nghiệp và các hợp tác xã; Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp với chương trình xây dựng nông mới, chương trình giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, nông sản hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại…/.