Để hoàn thành các mục tiêu về bình đẳng giới, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tuyên truyền phổ biến, cập nhật thông tin pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CCVC-LĐ) và các tầng lớp Nhân dân về thực hiện bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 28/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình thực hiện truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, đã xác định lộ trình triển khai với các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, phấn đấu 100% các cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế ở các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; đạt 95% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới. Hằng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc.
Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030, phấn đấu nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10-15% so với năm 2025. Năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.
Trong đó, tập trung vào 07 giải pháp trọng tâm gồm có: Thường xuyên và định kỳ cung cấp thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới của quốc gia và của tỉnh cho các cấp chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai lệch về bình đẳng giới; lên tiếng để xóa bỏ về định kiến giới. Tập trung truyền thông vào các nhóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số, nữ trong độ tuổi lao động và các nhóm yếu thế khác. Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Tổ chức chiến dịch truyền thông cao điểm ở các cấp trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hàng năm.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội. Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, người làm công tác bình đẳng giới các cấp, tuyên truyền viên, biên tập viên, người làm công tác truyền thông, cộng tác viên ở các ngành và người có uy tín ở khu dân cư. Nghiên cứu, áp dụng và chỉ đạo áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông tại các cơ quan truyền thông địa phương. Mở rộng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, khu dân cư, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả./.