Nghị quyết nêu việc bảo đảm nhà ở tối thiểu cần thực hiện: Cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện chương trình xoá nhà tạm giai đoạn 2013 - 2020. Đổi mới cơ chế hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị để có giá thuê, giá mua hợp lý với các đối tượng.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách về nhà ở và phát triển nhà ở, quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Việc phát triển nhà ở xã hội ngày càng được quan tâm, trong đó có nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tính đến hết ngày 31/3/2022, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 03 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng với tổng diện tích sàn trên 24 nghìn m2 ;02 dự án nhà ở đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn được nhà đầu tư và đang thực hiện các thủ tục đầu tư về xây dựng, với tổng diện tích sàn trên 47 nghìn m2.
Thực hiện chính sách nhà ở cho người nghèo theo theo Quyết định số 167/2008/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành năm 2012, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ cho 18.309 hộ; năm 2013, Sở Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam hỗ trợ cho 71 hộ, mức hỗ trợ: 30 triệu đồng/hộ với tổng số tiền hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015. Tổng số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở đăng ký vay vốn làm nhà ở theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 03/12/2015 là 10.582 hộ với số tiền trên 264 tỷ đồng. Tính từ đầu chương trình tới hết năm 2020 đã có 4.466 hộ vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện giải ngân cho vay trên 111 tỷ đồng, vốn huy động khác trên 89 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với hộ nghèo.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với Cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, từ năm 2013 đến hết ngày 31/12/2017, ngân sách nhà nước đã cấp kinh phí để hỗ trợ cho 130 hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh với số tiền 4,4 tỷ đồng. Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở tại Quyết định số 1897/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 với số tiền 139 tỷ đồng phân bổ cho 5.447 hộ, trong đó: Hộ xây dựng mới: 1.546 hộ; Hộ gia đình sửa chữa: 3.901 hộ. Từ đầu chương trình đến hết năm 2020, Sở Xây dựng đã hỗ trợ được cho 3.236 hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh xây dựng nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ trên 85,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, về cơ bản tới nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhà tạm, nhiều hộ gia đình khó khăn nhà ở dột nát; còn thiếu nhà ở xã hội cho các đối tượng người thu nhập thấp, công nhân lao động. Do đó thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về nhà ở, hỗ trợ xây dựng nhà ở, đặc biệt dành nguồn lực cho các hộ gia đình chính sách, người nghèo, có công với cách mạng. Cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, tiếp tục thực hiện chương trình xoá nhà tạm. Đổi mới cơ chế hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị để có giá thuê, giá mua hợp lý với các đối tượng. Tập trung khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp./.