DetailController

Tin từ các đơn vị

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

03/09/2020 00:00
Trong mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình, nông nghiệp được coi là nền tảng. Chính vì vậy, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới luôn được tỉnh ưu tiên quan tâm thực hiện.
nhờ thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã vươn ra thị trường ngoại tỉnh, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng

Để tạo hành lang thuận lợi cho phát triển, thời gian qua tỉnh đã thực hiện rà soát, điều chỉnh và lập mới 9 quy hoạch lĩnh vực ngành, ban hành 25 đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm. Nhờ đó kết quả các chỉ tiêu tái cơ cấu ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tốc độ tăng GRDP của ngành bình quân giai đoạn 2016 – 2019 đạt 4%; tốc độ tăng giá trị sản xuất các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều tăng nhanh, trung bình đạt trên 5%/năm; cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng cây, con đặc sản có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất canh tác trồng trọt và trên 1 ha mặt nước thủy sản tăng dần hàng năm; đến năm 2019, lần lượt đạt là 125 và 272 triệu đồng/ha/năm.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn; đã hình thành và liên tục mở rộng vùng sản xuất tập trung cây có múi ở các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; mía nguyên liệu ở các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch tại các huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu; duy trì phát triển vùng chè xanh ở các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn; vùng chè Shan tuyết tại Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc. Năm 2017, diện tích cây ăn quả có múi là 8,08 nghìn ha, diện tích kinh doanh trên 3,6 nghìn ha, sản lượng khoảng 8,87 vạn tấn thì đến nay, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 10,5 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh đạt trên 6,6 nghìn ha, sản lượng ước đạt trên 12 vạn tấn. Toàn tỉnh đã có 14 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGap, hữu cơ ….với tổng diện tích canh tác trên 271 ha, tương đương khoảng 800 ha gieo trồng, chiếm 6,6% rau toàn tỉnh. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện mô hình cánh đồng lớn có giá trị kinh tế cao tiếp tục được đẩy mạnh. Trong giai đoạn đã thực hiện chuyển đổi được gần 7 nghìn ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; những mô hình chuyển đổi theo hướng cánh đồng lớn, có giá trị cao, quy mô lớn như mô hình trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm tại Kim Bôi, trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm tại Kỳ Sơn, Kim Bôi…Đã hình thành các mô hình liên kết có hiệu quả như mô hình trồng ớt xuất khẩu, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột Nhật…Một số địa phương đã chủ động đưa các giống chất lượng cao vào gieo cấy, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng như mô hình gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02, mô hình thâm canh giống lúa Bắc Hương 9…

Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng từng bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại tập trung sử dụng giống năng suất cao, thay đổi phương thức chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi. Tỉnh tập trung chuyển sang nuôi các loại gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế của địa phương đồng thời phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường Hà Nội, trong đó tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê, đang từng bước phát triển theo hướng tập trung công nghiệp, hình thành các vùng chăn nuôi, mô hình chăn nuôi trang trại. Cơ cấu nội ngành chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi lợn và đại gia súc. Đã triển khai được 01 chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, 02 chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn, sản phẩm thịt lợn, 02 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy và 01 chuỗi thịt lợn an toàn.

Nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng và kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi. Các chỉ tiêu về diện tích nuôi trồng, sản lượng khai thác, giá trị ngành thủy sản năm sau luôn đạt cao hơn năm trước. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay đạt 2,68 nghìn ha và 4,6 nghìn lồng nuôi cá. Một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất và đã thu được kết quả tốt như cá trắm đen, cá lăng, cá hồi, cá dầm xanh, cá chiên…Đã triển khai được 01 mô hình sản xuất chuỗi cá sông Đà theo chuỗi giá trị và 01 dự án “Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị”.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa. Diện tích trồng rừng hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra; từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được khoảng 21.900 ha rừng, bình quân hàng năm trồng được trên 6 nghìn ha, chủ yếu là rừng sản xuất; độ che phủ rừng tăng từ 51,1% năm 2017 lên 51,5% vào năm 2019.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Đã xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong và 10 nhãn hiệu tập thể mía tím Hòa Bình, hạt Dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ của huyện Lương Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy…xây dựng thành công 3 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sản phẩm cá, tôm sông Đà, mật ong Hòa Bình. Chủ động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Triển khai và dán trên 2 triệu và hỗ trợ trên 242 nghìn tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm như Cam Cao Phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, chuỗi cá sông Đà và rau hữu cơ của huyện Lương Sơn. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh; năm 2019 đã phê duyệt và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 24 sản phẩm thuộc 06 nhóm sản phẩm.

Nhờ đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến rõ nét, đời sống của người dân được nâng lên, an sinh xã hội đảm bảo. Trong 3 năm 2017 – 2019, toàn tỉnh đã có thêm 49 xã về đích nông thôn mới; lũy kế đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 88 xã về đích nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí, trung bình số tiêu chí nông thôn mới trên 1 xã đạt 15,02 tiêu chí/xã. Tới nay đã có thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.