Công tác xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm đầu tư, UBND các huyện, thành phố đã tập trung các nguồn vốn, chỉnh trang lại hạ tầng giao thông; công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tiếp tục được tăng cường. Công tác giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã được các cấp, các ngành quan tâm chấn chỉnh thực hiện nghiêm túc. Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, đồng bộ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường lãnh đạo triển khai, thực hiện Chỉ thị số 18 CT/TW và Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện và tích cực vận động gia đình, người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội từ tỉnh đến cơ sở đưa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào sinh hoạt định kỳ của các chi bộ. Xác định là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, phân loại chi bộ, đảng viên, cán bộ, viên chức, hội viên và là một trong những tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; vận động toàn dân tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được tập trung thực hiện. Ban an toàn giao thông tỉnh, các ngành: Công an, giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông, Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nổi bật là: Công an tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở 01 chuyên mục về an toàn giao thông phát trên sóng phát thanh, truyền hình hằng tuần để phổ biến, tuyên truyền các quy định mới về pháp luật giao thông, các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng, gương người tốt việc tốt. Đến nay, đã phát sóng được hơn 200 chuyên mục, bản tin an toàn giao thông, xây dựng hơn 100 phóng sự tuyên truyền, đăng tải hàng trăm tin, bài. Xây dựng và làm mới 150 panô, áp phích tuyên truyền, 41 bản ảnh tuyên truyền, cấp phát 10.000 tờ rơi tuyên truyền ở các địa bàn công cộng, các khu dân cư và các tuyến đường trọng điểm. Trực tiếp cử cán bộ xuống tận cơ sở tổ chức trên 300 buổi tuyên truyền cho hơn 5 vạn lượt cán bộ, nhân dân. Hằng năm, vào các đợt khai giảng năm học mới, toàn bộ các trường từ cấp tiểu học đến cao đẳng, trung học được cán bộ trực tiếp đến phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời, chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh đưa chương trình giáo dục an toàn giao thông vào các môn học chính khóa và ngoại khóa.
Các cấp, các ngành, chính quyền đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh tổ chức các Hội thi tìm hiểu pháp luật giao thông: Hội Thi "Thanh niên với văn hóa giao thông", "Nông dân với an toàn giao thông", "Tìm hiểu pháp luật giao thông đường thủy nội địa", "Lái xe giỏi và an toàn"; phối hợp tổ chức hơn 70 lớp tập huấn pháp luật giao thông đường bộ cho hơn 2.000 cán bộ tuyên truyền của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền từ huyện, đến xã, phường, thị trấn; phối hợp biên soạn 6 giáo trình tài liệu dùng trong công tác tuyên truyền cho các đối tượng khác nhau.
Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh huy động mọi nguồn lực phát triển giao thông vận tải, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trọng điểm như: Khu Công nghiệp Lương Sơn, Khu Công nghiệp Lạc Thịnh, Khu Công nghiệp bờ trái sông Đà, Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Quốc lộ 12B, Quốc lộ 21, Quốc lộ 6, đường 12B, ĐT.433, ĐT.431. Việc triển khai kế hoạch cứng hoá đường giao thông nông thôn được các cấp, các ngành duy trì thực hiện có hiệu quả theo Nghị quyết số 62-NQ/2004/HĐND, ngày 13/7/2004 và Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND, ngày 24/6/2011 nhằm đáp ứng các tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đã hoàn thành việc nâng cấp cải tạo Quốc lộ 6 và xây dựng đường Hồ Chí Minh, các tuyến Quốc lộ 12B, Quốc lộ 21, Quốc lộ 15 và đường 12B tiếp tục được nâng cấp, cải tạo; tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình tiếp tục được triển khai, xây dựng; các tuyến đường tỉnh, đường huyện, thành phố thường xuyên được duy tu, sửa chữa, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt.
Đã kiểm tra phát hiện 8.392 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, yêu cầu tự tháo rỡ, giải tỏa 1.222 trường hợp. Từ 01/01/2013 đến 30/6/2015 lực lượng Thanh tra giao thông đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 418 trường hợp vi phạm việc sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ với tổng số tiền xử phạt là 1.165.500.000 đồng.
Thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm để kịp thời loại bỏ các phương tiện hết niên hạn sử dụng, các phương tiện thuộc diện cấm lưu hành và phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Hiện nay, toàn tỉnh quản lý 12.421 xe ôtô, một năm trung bình có hơn 5.000 phương tiện đến đăng kiểm, số phương tiện đạt tiêu chuẩn đạt hơn 80%; số phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc hết niên hạn sử dụng đều được thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, để phối hợp quản lý theo quy định của pháp luật. Đã thực hiện tổng điều tra, rà soát các phương tiện thủy nội địa, theo đó có hơn 1500 phương tiện, trong đó, có trên 80% số phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm thuộc diện phải đăng ký đăng kiểm,
Qua 3 năm tổ chức thực hiện, các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã phát hiện gần 100 nghìn trường hợp vi phạm, thu nộp kho bạc Nhà nước gần 30 tỷ đồng, tạm giữ hơn 45 nghìn phương tiện, tước quyền sử dụng 1.312 giấy phép lái xe; gửi hơn 1200 lượt thông báo về nơi cư trú, công tác của người vi phạm để phối hợp giáo dục.
Công tác chấn chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; công tác quản lý phương tiện giao thông và hoạt động vận tải được đẩy mạnh. Đã tập trung chấn chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Đã đào tạo 27.205 học viên, sát hạch 28.925 học viên, cấp 26.856 Giấy phép lái xe môtô. Đào tạo 4.921 học viên, sát hạch 6.277 học viên, cấp 4.437 giấy phép lái xe ôtô. Đổi, nhập giấy phép lái xe các loại là 19.203 lượt.
Trên địa bàn tỉnh có 03 tuyến xe buýt gồm: Tuyến buýt Hòa Bình - Lạc Sơn có 39 xe với 82 lượt/ngày. Tuyến buýt Hòa Bình - Lạc Thủy có 14 xe với 54 lượt/ngày; Hòa Bình - Mai Châu; Hoà Bình – Lương Sơn - Lạc Thuỷ; có trên 225 phương tiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định và xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn giao thông. Việc nghiên cứu ứng dụng thông tin trong hoạt động quản lý được quan tâm chú trọng, đã xây dựng hệ thống maket, các loại phù hiệu, biển hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải góp phần đẩy nhanh quá trình cấp phép, cấp phù hiệu, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải.