DetailController

Khoa học - Môi trường

Đẩy mạnh phong trào “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”

03/09/2020 00:00
Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Hiện nay, rác thải nhựa trong nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng phát sinh với số lượng ngày càng gia tăng, đã gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống, sức khỏe của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thanh niên hành động chống rác thải nhựa hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn

Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó, có khoảng 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa rất khó phân hủy, thậm chí có nhiều loại thời gian phân hủy trên 500 năm. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách chiến lược và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các biện pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, sản xuất. Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế, chưa có sức lan tỏa sâu rộng.

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhân dân cần tiếp tục phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh với quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ; đưa tiêu chí giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy vào nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Phấn đấu trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020 các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động. Đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện trong toàn tỉnh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và phong trào sâu rộng trong nhân dân. Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong sinh hoạt. Tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chủ động, tích cực huy động các nguồn lực, xây dựng, thực hiện hiệu quả kế hoạch tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa, thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng các hoạt động cụ thể, như: Tổ chức lễ mít tinh phát động, diễu hành, cổ động, tuyên truyền hưởng ứng mạnh mẽ phong trào trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm thực hiện hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chuyển từ việc sử dụng các loại túi ni lông sang túi giấy và bao gói dễ phân hủy khác; vận động, khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến để tái chế rác thải nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy.

Năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho CBCCVC người lao động thuộc phạm vi mình quản lý, thực hiện cam kết “Chống rác thải nhựa”, nhằm đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu và mốc thời gian thực hiện, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy. Trước mắt, thực hiện ngay việc giảm thiểu, không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, như: Chai nhựa đựng đồ uống, ống hút nhựa, cốc nhựa,... trong mọi hoạt động, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, đồ dùng khác thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng, mang tính đặc trưng, thương hiệu của địa phương và tiết kiệm chi phí.

Phát hiện, phổ biến và nhân rộng đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý rác thải nhựa. Đưa tiêu chí giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương.

Tăng cường vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu du lịch, siêu thị, Ban quản lý các lễ hội văn hóa... nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa; tích cực tham gia phân loại, thu gom và không sử dụng các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao các công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, phát triển các sản phẩm tự phân hủy trong tự nhiên, thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa, ni lông dùng một lần…